Quyết định 3089/QĐ-TLĐ hỗ trợ bữa ăn cho người lao động thực hiện 3 tại chỗ tại các tỉnh, thành giãn cách

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

___________

Số: 3089/QĐ-TLĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

V/v hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

 

– Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012;

– Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015;

– Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2018;

– Căn cứ Nghị định số 191/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn;

– Căn cứ Chương trình số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 04/7/2021 giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh;

– Căn cứ Nghị quyết Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động việt Nam số 228-NQ/ĐĐTLĐ ngày 19/8/2021 và Nghị quyết Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam số 03/NQ-ĐCT ngày 13/8/2021;

– Xét đề nghị của Ban Quan hệ Lao động, Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1. Hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

a) Đối tượng hưởng là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất.

b) Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người, hỗ trợ 01 lần.

c) Thời điểm thực hiện hỗ trợ được tính từ ngày Quyết định có hiệu lực.

d) Nguồn kinh phí thực hiện:

– Do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cấp hỗ trợ cho công đoàn cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy của đơn vị còn được sử dụng tại thời điểm cấp và đảm bảo sau khi cấp số dư tại đơn vị còn tối thiểu 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng).

Trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không đủ nguồn để cấp hỗ trợ (số dư tích lũy còn dưới 1 tỷ đồng) thì Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp bù để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cấp đủ cho công đoàn cơ sở.

– Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở từ nguồn tài chính tích lũy của đơn vị còn được sử dụng tại thời điểm cấp hỗ trợ và đảm bảo sau khi cấp hỗ trợ số dư tại đơn vị còn tối thiểu 5.000.000.000 đồng (Năm tỷ đồng). Trường hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không đủ nguồn để cấp (số dư tích lũy còn dưới 05 tỷ đồng) thì Tổng Liên đoàn cấp bù để Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp đủ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

đ) Cách thức triển khai

– Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động để thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định cấp kinh phí.

– Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để chi hỗ trợ.

– Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ khi không cân đối được nguồn.

– Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đề nghị Tổng Liên đoàn cấp hỗ trợ khi không cân đối được nguồn.

– Trên cơ sở đề xuất của đoàn viên, người lao động, công đoàn cơ sở (công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn) thống nhất với chủ doanh nghiệp về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn, chuyển kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp để tổ chức bữa ăn theo chính sách chung của doanh nghiệp; đồng thời công đoàn cơ sở (công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn) giám sát việc tổ chức thực hiện bữa ăn và công khai tới đoàn viên, người lao động.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Giao Ban Tài chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ Quyết định này, các quy định hiện hành của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn thực hiện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

3. Các Ban, Văn phòng Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành trung ương và tương đương; Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

– Như Khoản 3 Điều 2;

– Ban Dân vận TW (để BC);

– Văn phòng TW Đảng (để BC);

– Văn phòng Chính phủ (để BC);

– Bộ Tài chính (để BC);

– Thường trực ĐCT TLĐ (để c/đạo);

– Lưu: VT, TC, QHLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Phan Văn Anh

Đánh giá post
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email