Tư cách pháp nhân theo quy định pháp luật năm 2022

     Trong quá trình tư vấn thành lập doanh nghiệp, Công ty Luật Quảng Ninh thường xuyên phải giải thích cho khách hàng hiểu tư cách pháp nhân là gì, điều kiện để có tư cách pháp nhân, tại sao doanh nghiệp tư nhân lại không có tư cách pháp nhân,… Nhận thấy đây là một khái niệm phổ biến trong luật được nhiều khách hàng quan tâm.

      Trong bài viết này, Công ty Luật Quảng Ninh với hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp sẽ chia sẻ quan điểm của mình để làm rõ khái niệm pháp nhân và ý nghĩa, vai trò của nó trong các mối quan hệ pháp luật.

Tư cách pháp nhân
Ảnh minh hoạ

1. Khái niệm pháp nhân

Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều kiện công nhận tư cách pháp nhân gồm:

Điều 74. Pháp nhân

1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;

b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;

c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Bộ luật Dân sự 2015 không đưa ra một khái niệm đầy đủ về pháp nhân mà chỉ quy định điều kiện có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, hiểu đơn giản, pháp nhân là một tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định bao gồm: Được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

2. Phân loại pháp nhân

2.1 Pháp nhân thương mại

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận tư cách pháp nhân thương mại:

Điều 75. Pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

2.2 Pháp nhân phi thương mại

Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận tư cách pháp nhân phi thương mại:

Điều 76. Pháp nhân phi thương mại

1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

2. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

3. Loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân

Luật Doanh nghiệp 2020 thừa nhận nhiều loại hình doanh nghiệp được phép thành lập và hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hình doanh nghiệp này đều đáp ứng mọi điều kiện để trở thành pháp nhân.

Ở Việt Nam hiện có 04 loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bao gồm:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

– Công ty nhiệm hữu hạn một thành viên.

– Công ty cổ phần.

– Công ty hợp danh.

Doanh nghiệp tư nhân là không có tư cách pháp nhân bởi theo khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do 01 cá nhân làm chủ, tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân đó.

Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Việc chủ doanh nghiệp tư nhân phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình khiến cho tài sản của doanh nghiệp không còn độc lập với tài sản của cá nhân. Do đó không thoả mãn điều kiện để được công nhận một pháp nhân.

Mặt khác theo khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân cũng không thể tham gia một số quan hệ pháp luật một cách độc lập bởi chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án…

4. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

Căn cứ Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự của pháp nhân gồm:

Điều 87. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Quảng Ninh


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

5/5 - (10 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email