LUẬT SƯ QUẢNG NINH – Câu hỏi: Gia đình tôi nhờ một người trong cơ quan nhà nước chạy việc cho chồng tôi một vị trí công chức. Bên đó báo giá tất cả thủ tục hết 450 triệu. Lúc giao tiền có biên bản ghi lại địa điểm, thời gian, chữ ký người nhận,… Tôi có ghi âm lại tất cả các cuộc nói chuyện. Nhưng bây giờ chồng tôi vào làm không đúng vị trí đã thỏa thuận. Bên đó ban đầu hẹn sẽ chuyển chồng tôi đúng với vị trí đã thỏa thuận sau 2 tuần nhưng đến nay đã là 2 tháng vẫn chưa thấy gì.
Cho tới bây giờ tôi gọi điện lại vẫn không thấy bên đó bắt máy. Xin hỏi, tôi có thể đòi lại tiền đã đưa để chạy việc không? Cảm ơn Luật sư.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng Luật sư Quảng Ninh và gửi câu hỏi. Về vấn đề Có thể đòi lại tiền đã đưa để nhờ chạy việc không, chúng tôi xin tư vấn như sau:
-
Mục Lục
Về thỏa thuận chạy việc
Thỏa thuận chạy việc được coi là một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một giao dịch dân sự phải đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực như sau:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Mục đích, nội dung của gia dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Có thể thấy, giao dịch giữa gia đình bạn với bên nhận tiền để chạy việc là một giao dịch có nội dung vi phạm pháp luật. Theo Luật cán bộ, công chức năm 2008, việc bổ nhiệm công chức phải đáp ứng những điều kiện nhất định và theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
Việc sử dụng tiền để chạy việc, can thiệp vào quy trình bổ nhiệm này là trái pháp luật. Khi đó, giao dịch này sẽ bị vô hiệu.
Hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự 2015, theo đó, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả lại cho nhau những gì đã nhận.
-
Có thể đòi lại tiền đã đưa để nhờ chạy việc không?
Như vậy, theo phân tích ở trên, bạn có thể đòi lại tiền đã đưa để nhờ chạy việc.
Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc kỹ bởi trong trường hợp trên đã có những dấu hiệu đủ để cấu thành tội phạm theo các tội được quy định trong Bộ luật hình sự. Cụ thể như sau:
- Nếu người nhận chạy việc biết khả năng của mình không thể xin cho chồng bạn vào làm công chức nhưng vẫn hứa hẹn, thuyết phục để bạn đưa tiền, sau đó đưa chồng bạn vào một vị trí khác trong cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản của bạn thì hành vi này có thể cấu thành Tội lừa đỏa chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật ình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khi đó, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để yêu cầu xác minh, điều tra sự việc.
- Trong quá trình xác minh, nếu cơ quan điều tra xác định được bạn biết rõ người nhận tiền có chức vụ, quyền hạn nên đã đưa tiền để người đó chạy việc cho chồng bạn thì người có chức vụ, quyền hạn đã nhận tiền đó có dấu hiệu cấu thành Tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017); còn bạn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật này.
Do đó, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét và quyết định lựa chọn phương án pháp lý phù hợp nhất.
Trên đây là tư vấn của Luật sư Quảng Ninh về việc Có thể đòi lại tiền đã đưa để nhờ chạy việc không? Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Công ty Luật sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: 575 Nguyễn Văn Cừ – Phường Hồng Hải – TP. Hạ Long – Quảng Ninh.
Bài viết liên quan: