Từ chối nhận di sản thừa kế ở Quảng Ninh – Quy định năm 2022

HỎI: Anh A gửi đến Luật sư Quảng Ninh câu hỏi liên quan đến việc từ chối nhận di sản thừa kế. Ông của anh A (ông C) trước khi mất đã viết di chúc để lại một nửa tài sản gồm 3 mảnh đất và 2 căn nhà ở Quảng Ninh cho anh A. Anh A cảm thấy gia cảnh của bản thân không quá khó khăn và muốn nhường lại phần di sản này cho các cô, các chú trong gia đình. Anh A thắc mắc liệu anh có thể từ chối nhận di sản không? Thực hiện điều đó như thế nào? (tên nhân vật đã được thay đổi)

Từ chối nhận di sản thừa kế
Ảnh minh hoạ

LUẬT SƯ QUẢNG NINH TRẢ LỜI:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sư Quảng Ninh, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Khái niệm di sản thừa kế

Di sản thừa kế
Ảnh minh hoạ

Ở Việt Nam, khái niệm di sản thừa kế chưa được ghi nhận trong bất kỳ văn bản pháp luật cụ thể nào mà hầu hết chỉ được nêu ra với cách liệt kê di sản gồm những tài sản nào. Như theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 612. Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Ở phương diện khoa học luật dân sự, di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sang cho những người hưởng thừa kế, được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Có thể hiểu, di sản chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản.

Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: Đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

2. Quyền từ chối nhận thừa kế

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế.

Điều 620. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Theo đó, cá nhân có thể từ chối không nhận di sản mà người khác để lại. Tuy nhiên, nếu vì trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ tài sản như: nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ cấp dưỡng … thì không được phép từ chối.

3. Thời điểm được từ chối nhận di sản thừa kế

Theo quy định tại khoản 3 Điều 620 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời điểm từ chối nhận di sản chỉ cần thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Điều 620. Từ chối nhận di sản

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

So với trước đây, thời gian để một người từ chối nhận thừa kế đã được mở rộng rất nhiều, không còn hạn chế trong thời gian hạn hẹp 06 tháng nữa như trong Bộ luật Dân sự 2015.

4. Hình thức từ chối nhận di sản thừa kế

Hình thức từ chối nhận di sản thừa kế
Ảnh minh hoạ

Theo quy định tại khoản 2 Điều 620 Bộ luật Dân sự sự 2015, người được nhận di sản thừa kế muốn từ chối nhận di sản cần lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Điều 620. Từ chối nhận di sản

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Trước đây, Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 quy định khi một người muốn từ chối di sản thì phải lập thành văn bản và báo cho cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc không nhận di sản. Đến Bộ luật Dân sự 2015 thì người từ chối không còn bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực mà chỉ phải lập thành văn bản.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 59 Luật Công chứng 2014 cũng quy định, người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản.

Điều 59. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản

Người thừa kế có thể yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Khi yêu cầu công chứng văn bản từ chối nhận di sản, người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản sao di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế; giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết.

Có thể thấy rằng, đối với văn bản từ chối nhận thừa kế, một cá nhân bắt buộc phải lập thành văn bản nhưng có thể công chứng hoặc chứng thực nếu có yêu cầu. Còn luật định thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Từ những quy định trên, anh A hoàn toàn có quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Việc từ chối phải được thể hiện bằng văn bản có thể công chứng hoặc chứng thực nếu có yêu cầu. Việc từ chối nhận di sản thừa kế sẽ không được chấp nhận nếu thuộc các trường hợp như:

Thứ nhất, việc từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác;

Thứ hai, chưa được lập thành văn bản và chưa được gửi đến những người liên quan;

Thứ ba, từ chối sau thời điểm phân chia di sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư Quảng Ninh về việc từ chối nhận chia di sản thừa kế.

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

 

Đánh giá post
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email