Phân biệt lối đi chung và lối đi qua theo pháp luật 2022

HỎI: Anh A gửi đến Luật sư Quảng Ninh câu hỏi liên quan đến lối đi chung và lối đi qua. Anh A thắc mắc lối đi chung và lối đi qua tồn tại rất phổ biến trên thực tế, tuy nhiên anh A mong luật sư giải thích để hiểu rõ thế nào là lối đi chung và thế nào là lối đi qua và điểm khác nhau giữa chúng.

    Công ty Luật Quảng Ninh với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến lối đi chung, lối đi qua xin được chia sẻ đến quý khách hàng trong bài viết này một số khái niệm và quy định pháp luật liên quan đến chủ đề này.

Lối đi chung
Ảnh minh hoạ

LUẬT SƯ QUẢNG NINH TRẢ LỜI:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sư Quảng Ninh, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Khái niệm lối đi chung

Pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định hay giải thích thế nào là lối đi chung. Bên cạnh việc pháp luật không quy định thì nguồn gốc lối đi chung cũng có sự khác nhau nhất định. Theo kinh nghiệm của Công ty Luật Quảng Ninh thì lối đi chung có thể hiểu là phần diện tích đất được cắt ra để các chủ sử dụng đất sử dụng làm lối đi ra đường giao thông công cộng.

Lối đi chung này thường được gọi là “ngõ đi chung”. Nó được thường được hình thành trong quá trình người sử dụng đất chia tách thửa đất. Việc chia tách thừa đất do nhiều nguyên nhân. Có thể là do phân chia tài sản hoặc chuyển nhượng một phần. Hoặc do thỏa thuận của các bên về việc mở lối đi chung. Và cũng có thể là do quyết định của TAND hoặc Cơ quan có thẩm quyền.

Lối đi chung được hình thành theo một số cách như:

Thứ nhất, lối đi chung được hình thành từ lối mòn, sử dụng lâu năm.

Thứ hai, lối đi chung được người sử dụng đất phía ngoài tự dành ra hoặc theo thỏa thuận hoặc chuyển nhượng cho người phía trong để có lối ra đường công cộng (giống với lối đi qua).

Thứ ba, lối đi chung do các chủ sử dụng đất cắt một phần đất của mình tạo nên, đồng thời lối đi chung tạo thành ranh giới sử dụng đất giữa các thửa đất liền kề (thường gọi là đường đi chung hoặc ngõ đi chung).

2. Khái niệm lối đi qua

Khác với trường hợp của lối đi chung, lối đi qua và quyền về lối đi qua được Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai quy định rõ. Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận quyền về lối đi qua tại Khoản 1 Điều 254 cụ thể:

Điều 254. Quyền về lối đi qua
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Từ đó có thể hiểu lối đi qua là lối đi trên bất động sản của người khác do chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc và chủ sở hữu bất động sản vây bọc thoả thuận hoặc theo bản án của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.

3. Sự khác nhau giữa lối đi chung và lối đi qua

+ Về nguồn gốc:

– Lối đi chung, các bên chấp nhận cắt một phần đất của mình để tạo thành lối đi chung.

– Lối đi qua, các bên thỏa thuận sau đó một bên chấp nhận cắt một phần đất. Bên cạnh đó còn do Tòa án, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền quyết định nếu không thỏa thuận được.

+ Về đất mở lối đi:

– Lối đi chung, các bên thỏa thuận nhưng thông thường là ranh giới thửa đất của các bên hoặc lối mòn đã sử dụng nhiều năm.

– Lối đi qua, nằm trên bất động sản bị vây bọc (mở lối đi qua đất của người khác). Đất mở lối đi là đất của người khác (chủ bất động sản vây bọc).

+ Về đăng ký:

– Lối đi chung, không bắt buộc phải đăng ký. Trong trường hợp sử dụng nhiều năm mà tạo thành lối đi chung có thể được đo vẽ và thể hiện trong bản đồ địa chính. Ngoài ra, lối đi chung cũng có thể tạo thành ranh giới giữa các bất động sản liền kề (tạo thành ranh giới khi tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp).

– Lối đi qua, phải đăng ký với cơ quan đăng ký đất đai để ghi vào sổ địa chính.

+ Về phía được hưởng lợi:

– Lối đi chung, các bên đều được hưởng lợi

– Lối đi qua, chủ bất động sản bị vây bọc (được hưởng quyền hạn chế đối với bất động của người khác).

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Quảng Ninh.


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

 

 

 

 

5/5 - (10 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email