HỎI: Anh A gửi đến Luật Sư Quảng Ninh thắc mắc về kinh doanh dịch vụ trò chơi (game). Anh A và các bạn đã lên ý tưởng và thiết kế ra những trò chơi điện tử trên mạng (Internet). Anh A nhận thấy những trò chơi của đội nhóm anh sản xuất rất được ưu chuộng. Anh A muốn kiếm thu nhập từ việc kinh doanh trò chơi do đội ngũ của anh sản xuất. Việc xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ trò chơi (game) theo pháp luật hiện hành như thế nào? (tên nhân vật đã được thay đổi)
LUẬT SƯ QUẢNG NINH TRẢ LỜI:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sư Quảng Ninh, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Mục Lục
1. Khái niệm trò chơi điện tử
Trò chơi điện tử là trò chơi sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác với người chơi nhằm mục đích chính là giải trí. Trò chơi điện tử thường được biết đến với cái tên trò chơi video (hay video game) vì nó quá phổ biến nhưng thực chất video games chỉ là một phần nhỏ của trò chơi điện tử.
Trò chơi điện tử được phân loại ở nhiều dạng khác nhau như: Các trò chơi dùng điện báo đánh chữ (Teletype games), Máy chơi game cầm tay (Electronic handhelds), Máy bắn bi và các thiết bị tương tự (Pinball machines and similar devices), Trò chơi đổi thưởng (Redemption games), Máy đánh bạc (Slot machines), Trò chơi âm thanh (Audio games) và Trò chơi video (Video games).
2. Khái niệm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử
Thị trường trò chơi điện tử ở Việt Nam đang ngày càng phát triển và dần bắt kịp được với xu hướng chung của nền công nghiệp trò chơi điện tử thế giới. Tuy nhiên, chính vì sự bùng nổ của thị trường trò chơi trên mạng mà người chơi gặp khó khăn khi phải phân biệt giữa trò chơi hợp pháp và trò chơi không hợp pháp.
Trò chơi (game) hợp pháp được định nghĩa là các trò chơi điện tử đã được phê duyệt nội dung, kịch bản và được cung cấp bởi các doanh nghiệp đã được Bộ Thông tin & Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, G2, G3, G4. Danh sách các doanh nghiệp và trò chơi điện tử được cấp giấy phép đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin & Truyền thông tại đường dẫn https://dvc.mic.gov.vn. Ngược lại, những trò chơi không được phê duyệt nội dung, kịch bản sẽ thuộc nhóm trò chơi không hợp pháp.
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử. Có thể tạm hiểu kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử là việc chủ thể kinh doanh cung cấp trò chơi điện tử cho khách hàng để thu lợi nhuận.
3. Phân loại trò chơi điện tử theo pháp luật Việt Nam
Cách phân loại trò chơi điện tử được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó pháp luật phân loại trò chơi điện tử theo từng loại gồm:
1. Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại như sau:
a) Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, bao gồm:
– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);
– Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);
– Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);
– Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4).
Và phân loại trò chơi điện tử theo độ tuổi của người chơi phù hợp với nội dung và kịch bản trò chơi. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về phân loại trò chơi theo độ tuổi người chơi. Quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP:
b) Phân loại theo độ tuổi của người chơi phù hợp với nội dung và kịch bản trò chơi. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về phân loại trò chơi theo độ tuổi người chơi.
4. Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh trò chơi điện tử
Giấy phép kinh doanh trò chơi (game) là giấy phép được cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trò chơi khi doanh nghiệp đảm bảo đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép theo quy định của pháp luật và nộp hồ sơ hợp lệ lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh trò chơi (game): Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử
5.1 Đối với giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1
Quy định tại Điều 15 Nghị định 24/2014/TT-BTTTT:
Điều 15. Quy trình, thủ tục cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1
1. Doanh nghiệp nộp 01 (một) bộ hồ sơ gốc đề nghị cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 cho Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo một trong các hình thức sau:
a) Nộp trực tiếp;
b) Nộp qua đường bưu chính.
2. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiến hành thẩm định hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 theo Mẫu số 2. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời trong đó nêu rõ lý do từ chối.
3. Trước khi chính thức cung cấp dịch vụ 10 (mười) ngày làm việc, doanh nghiệp phải gửi thông báo cụ thể về thời gian chính thức cung cấp dịch vụ tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử), Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động và nơi doanh nghiệp có hệ thống thiết bị cung cấp dịch; thông báo tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán trong trò chơi điện tử. Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy biên nhận cho doanh nghiệp trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
4. Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 không còn hiệu lực khi doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản hoặc sau 06 (sáu) tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực mà doanh nghiệp không triển khai trên thực tế việc cung cấp dịch vụ.
5. Trường hợp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 không còn hiệu lực, bị thu hồi hoặc doanh nghiệp thay đổi các nội dung quy định tại Khoản 6 Điều 16 Thông tư này, việc cấp lại giấy phép thực hiện như thủ tục cấp mới theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Thông tư này.
5.2 Đối với giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4
Quy định tại Điều 24 Nghị định 24/2014/TT-BTTTT:
Điều 24. Quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4
1. Doanh nghiệp nộp 01 (một) bộ hồ sơ gốc đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 cho Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo một trong các hình thức sau:
a) Nộp trực tiếp;
b) Nộp qua đường bưu chính.
2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử cho doanh nghiệp theo Mẫu số 6. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
3.Trước khi doanh nghiệp chính thức bắt đầu cung cấp trò chơi cho công cộng 10 (mười) ngày làm việc, doanh nghiệp phải gửi thông báo cụ thể về thời gian chính thức cung cấp dịch vụ đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở hoạt động, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán trong trò chơi điện tử. Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm gửi giấy biên nhận cho doanh nghiệp trong thời hạn 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.
4. Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 không còn hiệu lực khi doanh nghiệp bị giải thể, bị phá sản hoặc sau 12 (mười hai) tháng kể từ ngày giấy chứng nhận có hiệu lực nhưng doanh nghiệp không triển khai trên thực tế việc cung cấp dịch vụ.
5. Trường hợp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 không còn hiệu lực, bị thu hồi hoặc doanh nghiệp thay đổi những nội dung quy định tại Khoản 6 Điều 25 Thông tư này, việc cấp lại giấy chứng nhận thực hiện như thủ tục cấp mới quy định tại Điều 23, Điều 24 Thông tư này.
6. Hồ sơ tiến hành thủ tục xin giấy phép kinh doanh trò chơi
6.1 Đối với giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh Game G1 theo Mẫu số 15 tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định 27/2018/NĐ-CP;
(2) Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13);
(3) Đề án cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 bao gồm các nội dung chính sau đây:
– Kế hoạch cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, tổ chức, nhân sự, kỹ thuật thực hiện cung cấp dịch vụ bảo đảm đáp ứng các Điều kiện quy định tại điểm b, điểm c, điểm d Điều 32 Nghị định 27/2018/NĐ-CP;
– Sơ đồ tổng thể hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ, địa điểm đặt hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ;
– Mô tả chi tiết hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ cả Phần chính và Phần dự phòng bao gồm: Tên, chức năng, cấu hình dự kiến của từng thiết bị;
– Thông tin chi tiết về phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ; kế hoạch kết nối với mạng Internet và mạng viễn thông (tên doanh nghiệp, tên miền, địa chỉ IP, dung lượng kênh kết nối, kênh phân phối trò chơi);
– Mô tả chi tiết hệ thống thanh toán trò chơi và kế hoạch kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán tại Việt Nam (tên doanh nghiệp, hình thức kết nối, quyền và trách nhiệm của các bên);
– Phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người chơi;
– Mô tả chi tiết hệ thống thiết bị (Phần cứng, Phần mềm) giám sát hoạt động hệ thống cung cấp dịch vụ; kế hoạch sao lưu dữ liệu và phương án dự phòng về thiết bị, kết nối; quy trình vận hành, khai thác, cung cấp và sử dụng dịch vụ; kế hoạch bảo đảm bí mật, an toàn thông tin cá nhân của người chơi;
– Mô tả chi tiết hệ thống thiết bị (Phần cứng, Phần mềm) bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người chơi; quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
6.2 Đối với giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh Game G2 G3 G4 theo Mẫu số 19 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2018/NĐ-CP;
(2) Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13);
(3) Văn bản xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp đối với tên miền quốc tế;
(4) Đề án cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử đáp ứng các quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 33 Nghị định 27/2018/NĐ-CP, bao gồm các nội dung sau đây:
– Kế hoạch cung cấp dịch vụ, nhân sự, tài chính phù hợp với quy mô hoạt động;
– Sơ đồ tổng thể hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ, địa điểm đặt hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ và kết nối mạng;
– Thông tin về thiết bị cung cấp dịch vụ cả Phần chính và dự phòng bao gồm: Tên, chức năng, cấu hình;
– Thông tin chi tiết về phương thức, phạm vi cung cấp dịch vụ: Mạng Internet (địa chỉ EP, tên miền), mạng viễn thông di động (dự kiến kênh phân phối trò chơi);
– Các hình thức thanh toán dịch vụ, các loại thẻ thanh toán và doanh nghiệp hợp tác trong việc thanh toán dịch vụ (tên doanh nghiệp, loại hình thanh toán);
– Biện pháp bảo đảm chất lượng dịch vụ và quyền lợi của người chơi.
Trên đây là nội dung tư vấn xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ game G1,G2,G3, G4 của Công ty Luật Sư Quảng Ninh.
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: