Con gái đại gia phủ nhận đồng phạm tham ô hơn 800 tỷ đồng

HÀ NỘI – Bị cáo Thục Anh khai không “đồng phạm” với cha, cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2 Nguyễn Văn Minh, về hành vi tham ô hơn 800 tỷ đồng khi mua bán 145 ha “đất vàng” ở Bình Dương.

Ngày 23/8, tại ngày làm việc thứ 8 của phiên xét xử đại án liên quan sai phạm tại 188 ha “đất vàng” tại Bình Dương, khi tự bào chữa bị cáo Nguyễn Thục Anh, 40 tuổi, cựu chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển, nói sẽ không lập luận dài dòng do “không muốn đào sâu” thêm sự việc, không muốn làm bố đau lòng hoặc làm người khác bị tội nặng thêm.

Bị cáo đề nghị HĐXX đánh giá xác đáng vai trò của mình dựa trên 3 yếu tố: không tiếp nhận ý chí từ bố, không đồng phạm cũng không hưởng lợi gì.

Thục Anh khai có việc đứng tên hộ bố, bị cáo Nguyễn Văn Minh, về 51% cổ phần tại Công ty Phát Triển. Nhưng với số cổ phần này, ông Minh cũng không có toàn quyền quyết định tại doanh nghiệp.

Do chỉ đứng tên hộ, Thục Anh cho rằng cô không có quyền chỉ đạo ban giám đốc của công ty. “Kể cả có tiếp nhận ý chí của bố, bị cáo cũng không thể nào thực hiện vai trò đồng phạm trong cáo buộc tham ô”, Thục Anh nói.

Với số tiền chiếm hưởng cá nhân bị quy kết 200 tỷ đồng, Thục Anh đề nghị HĐXX và cơ quan công tố xem xét lại các chứng cứ giao dịch ngân hàng liên quan để thấy rằng “thực tế không phạm tội như quy kết”.

Bào chữa cho Thục Anh, luật sư Nguyễn Huy Thiệp, cho rằng thân chủ chỉ đứng tên cổ phần lập công ty còn thực tế không điều hành. “Đây là quan hệ cha con, đặc biệt hơn trường hợp khác ở chỗ Thục Anh là con út, học hành đầy đủ, là niềm tự hào của ông Minh. Hổ dữ không ăn thịt con, lý gì cha có người con cưng như thế lại đưa vào vòng lao lý”, luật sư Thiệp trình bày song bị chủ tọa Vũ Quang Huy ngắt lời, đề nghị bào chữa bằng cách ra các bằng chứng tài liệu xác thực.

Cuối phần bào chữa, luật sư Thiệp cho rằng vụ án tham ô này thực chất “không có dấu hiệu chiếm đoạt”, do toàn bộ số tiền vẫn hạch toán trong tài khoản của Tổng công ty 3/2. Theo hệ thống tài chính, các bị cáo không chi dùng cho cá nhân dù có thể có việc tạm ứng, chi dùng sai nguyên tắc.

Đồng phạm

Bị cáo Nguyễn Văn Minh (áo trắng) chống gậy, được dìu tới tòa sáng 15/8. Ảnh: Phạm Dự

Theo cáo trạng, khu đất 145 ha được tỉnh Bình Dương giao cho Tổng công ty 3/2 (100% vốn nhà nước). Ông Minh móc nối với hai doanh nghiệp sân sau, trong đó có doanh nghiệp của con gái để lập liên doanh Tân Thành, thực hiện dự án.

Do hai công ty “sân sau” không đủ năng lực tài chính, ông Minh chi 296 tỷ đồng từ nguồn tiền của Tổng công ty 3/2 cho vay không lãi. Năm 2018, để có tiền xử lý dư nợ, ông Minh dùng hơn 964 tỷ đồng của Tổng công ty 3/2 để mua lại 19% vốn của Tân Thành.

Giá trị mỗi cổ phần của Tân Thành chỉ hơn 16.000 đồng nhưng bố con ông Minh chuyển nhượng với giá hơn 105.000 đồng/cổ phần, tức tăng gấp gần 7 lần, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 815 tỷ đồng, bị cáo buộc là tiền tham ô. Trong số này, ông Minh bị cáo buộc trực tiếp chiếm hưởng hơn 154 tỷ đồng, Thục Anh hơn 200 tỷ đồng.

Trong phiên luận tội ngày 19/8, ông Minh bị cơ quan công tố đề nghị mức hình phạt cao nhất trong 28 bị cáo với cáo buộc “chủ mưu toàn bộ sai phạm”. Ông Minh bị đề nghị 29-30 năm tù, là một trong 3 người bị truy tố về cả hai tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Thục Anh bị đề nghị 3-4 năm tù vì tội Tham ô tài sản.

Chấp nhận nộp tiền đất chênh lệch để tiếp tục sở hữu “đất vàng”

Liên quan các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, với khu đất 43 ha, đại diện Công ty Tân Phú đề nghị được nhận lại hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị cơ quan điều tra thu giữ từ cuối năm 2019. Trong trường hợp phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất chênh lệch, công ty mong muốn được nộp đủ theo phán quyết của tòa, để được tiếp tục thực hiện các dự án.

“Đây sẽ là giải pháp đúng luật, hài hòa lợi ích Nhà nước với doanh nghiệp, tài sản Nhà nước không bị thất hoát”, đại diện Tân Phú nêu.

Luật sư của Tân Phú lập luận, giao dịch chuyển nhượng đất giữa Tân Phú và Tổng công ty 3/2 không vi phạm pháp luật. Do Tổng công ty 3/2 có ngành nghề kinh doanh bất động sản, sau khi đơn vị này hoàn thành các nghĩa vụ về đền bù giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, đã được sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công ty Tân Phú nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 43 ha đất và đã hoàn thành thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, với giá chuyển nhượng hơn 270 tỷ đồng và đã thanh toán đầy đủ. Hơn nữa, Tân Phú không bị cơ quan công tố xác định là bên phạm tội.

Đồng phạm

Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương nêu quan điểm tại phiên xét xử. Ảnh: Danh Lam

Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cũng đề nghị cho Công ty Tân Phú được nộp số tiền sử dụng đất chênh lệch và tiếp tục thực hiện Dự án khu dân cư – thương mại – dịch vụ Tân Phú trên diện tích đất 43 ha để bảo đảm không gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Trong phiên luận tội ngày 19/8, VKS đề nghị HĐXX tuyên theo hướng trả lại hai khu đất về chủ sở hữu là Tỉnh uỷ Bình Dương để xử lý theo quy định. Đồng thời, Tổng công ty 3/2 phải hoàn thành nốt phần nghĩa vụ tài chính còn lại là nộp hơn 560 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của cơ quan công tố.


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

5/5 - (12 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email