HÀ NỘI – VKS cho rằng trong vụ kiện 11 anh em ông Dũng tranh chấp 1.200 m2 mảnh đất đang thế chấp mà tòa sơ thẩm không triệu tập ngân hàng tham gia tố tụng là “sai sót nghiêm trọng”.
Ngày 3/8, sau 4 tháng tạm dừng xét xử để xác minh thông tin và dành thời gian cho các bên hòa giải, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên phúc thẩm vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế, mảnh đất 1.213 m2, giữa ông 11 anh em, cùng trú huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ.
Nguyên đơn là ông Nam, con trưởng. Bị đơn là ông Dũng, con trai thứ 4. Theo nội dung đơn kiện, cha mẹ họ nhận chuyển nhượng và sử dụng mảnh đất 1.213 m2 từ một người cùng xã, năm 1962. Năm 1984, cha mẹ cho ông Dũng 138 m2 trong mảnh đất này để làm nhà riêng.
Cha mẹ mất không để lại di chúc. Năm 2020, ông Nam họp 11 anh chị em bàn xây nhà từ đường trên 1.075 m2 còn lại, cho rằng đó tài sản thừa kế chung. Ông Nam nói mình và các em đã “bất ngờ và sốc” khi ông Dũng thông báo: Toàn bộ 1.213 m2 đã đứng tên ông được huyện Thanh Thuỷ cấp sổ đỏ từ 15 năm trước (2005), trong lúc mẹ còn sống.
Ông Nam cho rằng việc em trai tự ý đứng tên tài sản khi không có văn bản bố mẹ uỷ quyền, tặng cho, cũng không qua họp bàn gia đình là trái luật. 7 anh chị em khác đã uỷ quyền cho ông Nam khởi kiện, đề nghị ông Dũng chỉ được giữ 138 m2, phần còn lại chia đều 11 người.
Là bị đơn, ông Dũng khẳng định từ năm 1992, cha đã tới UBND xã làm thủ tục cho mình cả 1.213 m2 đất. Từ đó, ông tôn tạo, xây tường bao, đóng thuế đất và sử dụng ổn định, đến năm 2005 được huyện cấp sổ đỏ lần đầu, đứng tên ông.
Ông Dũng khai, từ năm 1992, ngay sau khi cho con đất, cha mẹ đã mua khu đất khác cùng xã, sinh sống ổn định đến khi qua đời vào năm 2001 và 2015. 11 anh em đã bán khu đất này chia nhau.
Theo ông Dũng, toàn bộ di sản thừa kế đã được định đoạt xong, không ai có ý kiến gì về mảnh đất 1.213 m2 ông đang ở và đứng tên. Nay do “sốt đất”, các anh chị em “bỗng dưng đòi quyền lợi”, vì thế ông không chấp nhận.
Tại phiên sơ thẩm mở tháng 8/2022, TAND tỉnh Phú Thọ đánh giá ông Dũng được cấp sổ đỏ mà không có văn bản phân chia tài sản thừa kế hoặc di chúc; UBND huyện không có hồ sơ về việc tách, hợp hai thửa đất là không đúng quy định. Do đó toà tuyên huỷ sổ đỏ đã cấp để phân chia tài sản thừa kế.
Theo bản án, ông Dũng được hưởng 138 m2 đã được cho trước đó. Hơn 1.000 m2 còn lại, được định giá 6,7 tỷ đồng, tòa tuyên chia đều cho 11 người. Không chấp nhận phán quyết này, ông Dũng kháng cáo, đề nghị huỷ bản án sơ thẩm.
Tại phiên phúc thẩm lần đầu, hôm 3/4, dù được chủ tọa nhiều lần khuyến khích hòa giải, đôi bên cùng không thay đổi quan điểm, nói sẽ khiếu kiện đến cùng.
Hình ảnh minh họa
VKS: Không triệu tập ngân hàng là sai sót nghiêm trọng
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX cho hay, ngân hàng nhận thế chấp đã gửi văn bản xác nhận việc ông Dũng đang thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay 6,1 tỷ đồng.
Trước khi xét hỏi, chủ tọa Nguyễn Xuân Phách tiếp tục hỏi hai anh em ông Dũng “sau 4 tháng suy nghĩ, có thay đổi quan điểm?”. Cả hai cùng đáp “nhất định không hòa giải”.
Bảo vệ cho bị đơn Dũng, luật sư cho rằng TAND tỉnh Phú Thọ đã vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự ở các phương diện: đánh giá chứng cứ, thu thập chứng cứ, không tiến hành thủ tục đối chất và đặc biệt là bỏ sót người tham gia tố tụng.
Luật sư cho rằng thân chủ đã cung cấp rất nhiều lời khai của nhân chứng, đều là cán bộ xã, về việc được cha mẹ cho thửa đất, song những lời khai này không có trong nhận định của tòa sơ thẩm. Ít nhất 7 nhân chứng xác nhận việc sau khi cho tặng ông Dũng mảnh đất, cha mẹ ông đã chuyển đến khu đất riêng biệt, sinh sống đến khi qua đời. Lời chứng này, theo luật sư cũng bị TAND tỉnh Phú Thọ không công nhận.
Thửa đất đang được ông Dũng thế chấp toàn bộ quyền sử dụng tại ngân hàng để đảm bảo khoản vay 6 tỷ đồng. Song toà sơ thẩm không đưa ngân hàng tham gia tố tụng.
Đồng tình quan điểm này, đại diện VKS cho rằng, tài sản đã được thế chấp tại ngân hàng để vay tiền nhưng TAND tỉnh Phú Thọ không đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng để xác minh quyền và nghĩa vụ “là sai”, “ảnh hưởng nghiêm trọng” đến quyền lợi của bên nhận thế chấp. VKS do đó kiến nghị hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Sau nghị án, TAND Cấp cao nhận định, tài sản thế chấp liên quan vụ án, do vợ chồng ông Dũng đứng tên, được thế chấp ngân hàng từ ngày 1/3/2022. Giao dịch thế chấp được đăng ký tại Văn phòng Đăng ký sử dụng đất huyện Thanh Thủy, để đảm bảo cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng.
Bản án sơ thẩm tuyên có nội dung hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Dũng – tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng. Song “suốt quá trình xét xử sơ thẩm, ngân hàng không nhận được bất cứ thông báo nào của tòa án cấp sơ thẩm về ý kiến liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên đang thế chấp tại ngân hàng, cho đến khi nhận được thông tin từ bên thế chấp tài sản, là ông Dũng”, bản án nêu.
Ngân hàng do đó, đề nghị tòa triệu tập họ với tư cách người tham gia tố tụng khác, để được tham gia nêu ý kiến, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.
“Như vậy thực tế có việc tài sản chia thừa kế mà cấp sơ thẩm đang giải quyết, được đương sự đem thế chấp. Ngân hàng tham gia tố tụng với vai trò người có quyền nghĩa vụ liên quan là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho bên nhận thế chấp”, bản án nêu.
Ngoài ra, tòa cho rằng cần xác minh thu thập thêm tài liệu chứng cứ về nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng tặng cho thửa đất, để có cơ sở đánh giá toàn diện giải quyết vụ án.
Cấp phúc thẩm do đó tuyên hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án về TAND tỉnh Phú Thọ để giải quyết lại, theo trình tự sơ thẩm.
*Tên các đương sự đã thay đổi
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: