Quấy rối trên mạng là gì? Xử lý hành vi quấy rối trên mạng như thế nào?

Quấy rối trên mạng là gì? Các hành vi quấy rối trên mạng xã hội? Xử lý hành vi quấy rối trên mạng xã hội như thế nào?

Trong thời đại công nghệ 4.0, không thể phủ nhận rằng Internet đem đến cho con người vô số tiện ích như: cung cấp thông tin, chia sẻ, kết nối,… Nhưng chính trên môi trường này lại tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm, xuất hiện các dạng tội phạm mới, trong đó có những hành vi quấy rối, đe dọa làm ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, sức khỏe của người khác. Vậy quấy rối trên mạng là gì? Hành vi quấy rối trên mạng xã hội như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

– Bộ luật dân sự năm 2015;

– Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

– Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản;

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

1. Quấy rối trên mạng là gì?

Quấy rối trên mạng là một hình thức quấy rối bằng các phương tiện điện tử hay còn gọi là quấy rối trực tuyến. Thông qua việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, kỹ thuật số để theo dõi nạn nhân. Hành vi quấy rối trên không gian mạng internet như Facebook, Instagram, twitter, … ngày càng phổ biến, điển hình như các hành vi đăng tin đồn hay gọi điện thoại liên tục đe dọa, nhận xét tình dục, thông tin cá nhân của nạn nhân hoặc dùng ngôn từ đóng khung gây kích động thù địch, mạo danh xúc phạm tống tiền, …. Hành vi quấy rối có thể được xác định bằng hành vi lặp đi lặp lại và ý định làm hại nạn nhân, khiến nạn nhân có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, thất vọng, tức giận, trầm cảm hoặc có thể dẫn đến tự tử.

Quấy rối có thể xảy ra trong bất kỳ môi trường nào, quấy rối khác nhau có thể được phân biệt, chẳng hạn như: lao động, tình dục, trường học và quấy rối thể chất. Hành vi quấy rối có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cá nhân nào mà không có sự phân biệt về xã hội, giáo dục hoặc kinh tế. Quấy rối có thể diễn ra thường xuyên và có thể được thực hiện bởi những kẻ xâm lược từ các cấp bậc cao hơn, bằng hoặc thấp hơn liên quan đến nạn nhân, thông qua việc thực hiện các hành vi bạo lực hoặc đe dọa liên tục trên một người, để gây bất ổn, lo lắng cho nạn nhân.

2. Các hành vi quấy rối trên mạng xã hội:

Hành vi quấy rối trên mạng xã hội có thể được thực hiện như sau:

+ Quấy rối thông qua việc cố tình đăng tải hình ảnh, video riêng tư lên Internet với những lời bình phẩm, nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn.

+ Có thể bị quấy rối bằng những ngụ ý về tình dục như những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó. Thường xuyên, liên tục dùng những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn mang tính cá nhân.

+ Sử dụng tên người khác hoặc một nick ảo trên mạng để thực hiện các hành vi xấu như lăng mạ, xúc phạm, tống tiến.

+ Gửi các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.

3. Xử lý hành vi quấy rối trên mạng xã hội như thế nào?

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 12 Luật Viễn thông năm 2009 quy định một trong các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông là: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Nguyên tắc cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân nào thì phải được sự đồng ý, cho phép của người đó theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật dân sự năm 2015.

Thêm vào đó, tại Khoản 1 Điều 34 Luật dân sự năm 2015 cũng quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Những thông  tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó và cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng đến mình.

Thứ nhất: xử phạt hành chính

Tại tiết a khoản 3 Điều 7 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định người có  hành vi, cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng  tùy theo mức độ vi phạm của người thực hiện hành vi vi phạm.

Tại Khoản 2 Điều 54 Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định người có hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình bằng việc sử dụng phương tiện thông tin hoặc đăng hình ảnh, bài viết thì  Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra buộc thu hồi bài viết, hình ảnh và buộc phải xin lỗi nạn nhân.

Tại điểm g, điểm e Khoản 3 Điều 102 nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến đã quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cụ thể như sau:

+ Không được được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân mà tự ý thu thập, xử lý và sử dụng thông tin hoặc sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp luật;

+ Khi có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Thứ hai: Trách nhiệm hình sự

Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự không có điều luật nào quy định về tội xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác. Tuy nhiên, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác được yếu tố cấu thành tội “Tội làm nhục người khác” và tội “Vu khống” được quy định tại Điều 155 và Điều 156 Bộ luật này và có thể chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Điều 155: Tội làm nhục người khác

Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu một người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng có thể lên đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Tùy tính chất và mức độ có thể bị phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 05 năm, chẳng hạn như phạm tội đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; ….

Điều 156. Tội vu khống

Khi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác bằng các hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật có thể gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống. Mức hình phạt tùy theo mức độ vi phạm của chủ thể, có thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Mức cao nhất của khung hình phạt tù lên đến 7 năm tù.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

Hành vi quấy rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh và trật tự đã bị xử phạt hành chính đối với hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu việc gây rối trật tự công cộng có tổ chức hoặc có xúi giục người khác gây rối thì có thể bị phạt  tù từ 02 năm cao nhất đến 07 năm.

Ngoài ra theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Khi có những lời lẽ quấy rối có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xúc phạm về danh dự nhân phẩm kèm theo đó là những chứng cứ chứng minh về việc bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho mình.

Như vậy, vấn đề giao tiếp trên mạng xã hội là vô cùng quan trọng. Để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc, cần phải có những hiểu biết nhất định về pháp luật cũng như những vấn đề về đạo đức con người, hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, lịch sự.

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

5/5 - (10 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email