Trình tự thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

1. Khiếu nại trong tố tụng hình sự là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì khiếu nại trong tố tụng là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân theo thủ tục quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự đề nghị:

Cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tố cáo trong tố tụng hình sự là gì?

Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì tố cáo trong tố tụng hình sự là việc cá nhân theo thủ tục quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự thực hiện:

Báo cho cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà họ cho rằng hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nguồn gốc chiếc búa thẩm phán - biểu tượng của quyền lực - VnExpress

3. Người nào có quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự?

3.1. Người có quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự

Theo Điều 469 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người có quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự bao gồm:

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

– Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của:

Hội đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các Chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

3.2. Người có quyền tố cáo trong tố tụng hình sự

Người có quyền tố cáo trong tố tụng hình sự theo Điều 478 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Điều kiện thụ lý khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

4.1. Điều kiện thụ lý khiếu nại trong tố tụng hình sự

Theo Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì Cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý khiếu nại để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Nội dung khiếu nại là khiếu nại trong tố tụng hình sự; việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp:

+ Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại.

Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ; nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn về một nội dung thì trong đơn có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

+ Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Nếu nhiều người đến khiếu nại trực tiếp về một nội dung thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp, hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại và ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản.

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong thời hiệu theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Tố tụng hình sự; trường hợp khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì thời hiệu khiếu nại là 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định thì người khiếu nại phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

– Khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

– Người khiếu nại phải có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình khiếu nại.

– Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện thực hiện quyền khiếu nại;

Trường hợp người khiếu nại là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không thể tự mình khiếu nại thì việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp và phải có giấy tờ chứng minh.

– Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có đơn rút khiếu nại của người khiếu nại.

4.2. Điều kiện thụ lý tố cáo trong tố tụng hình sự

Theo Điều 9 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì Cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý để giải quyết tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:

– Nội dung tố cáo là tố cáo trong tố tụng hình sự; việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền:

+ Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; tên, địa chỉ của người tố cáo; tên, chức danh, chức vụ của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị tố cáo; nội dung, lý do tố cáo, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo và yêu cầu giải quyết của người tố cáo.

Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ; nếu nhiều người cùng tố cáo về một nội dung thì trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

+ Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận tố cáo hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

Nếu nhiều người đến tố cáo trực tiếp về một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

– Tố cáo chưa được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng có tình tiết mới có thể làm thay đổi nội dung quyết định giải quyết.

Trường hợp khiếu nại đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại nên đã tố cáo người giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung tố cáo.

– Tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

5. Trình tự thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự

5.1. Trình tự thụ lý và giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự

Trình tự thụ lý và giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự theo Điều 7 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT như sau:

– Kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền và đủ điều kiện thụ lý, trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (sau đây gọi chung là người giải quyết khiếu nại) phải thụ lý và thực hiện các thủ tục như sau:

+ Ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại trình bày về nội dung khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại; yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến những nội dung bị khiếu nại.

+ Kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu nại.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, nếu thấy đủ căn cứ giải quyết và không cần phải xác minh nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay.

Trường hợp cần phải xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc ra quyết định phân công người tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. Người được phân công xác minh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại trình người có thẩm quyền phê duyệt.

+ Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.

+ Trường hợp kết quả xác minh nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại còn khác nhau, nếu thấy cần thiết thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại.

+ Khi thời hạn xác minh nội dung khiếu nại đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết khiếu nại xem xét gia hạn thời hạn xác minh. Thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết khiếu nại.

+ Kết thúc việc xác minh, người được phân công xác minh phải có văn bản báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại và đề xuất hướng giải quyết.

+ Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại thì ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại.

– Việc giải quyết khiếu nại phải được lập hồ sơ. Hồ sơ giải quyết khiếu nại bao gồm:

+ Đơn khiếu nại hoặc biên bản ghi nội dung khiếu nại (nếu có);

+ Văn bản thông báo việc thụ lý khiếu nại;

+ Văn bản giải trình của người bị khiếu nại;

+ Quyết định phân công xác minh, kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại đã được phê duyệt (nếu có);

+ Biên bản làm việc với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan;

+ Thông tin, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được;

+ Kết quả giám định (nếu có);

+ Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);

+ Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

+ Quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại (nếu có);

+ Các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số bút lục theo thứ tự tài liệu và lưu trữ theo quy định của pháp luật.

5.2. Trình tự thụ lý và giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự

Trình tự thụ lý và giải quyết tố cáo trong tố tụng hình sự theo Điều 11 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT như sau:

– Kể từ ngày nhận được tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, trong thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo (sau đây gọi chung là người giải quyết tố cáo) thực hiện các thủ tục sau:

+ Kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT.

+ Ban hành quyết định xác minh nội dung tố cáo. Trường hợp người giải quyết tố cáo không trực tiếp tiến hành xác minh thì ra quyết định phân công người tiến hành xác minh nội dung tố cáo. Người được phân công xác minh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xác minh nội dung tố cáo trình người có thẩm quyền phê duyệt.

+ Làm việc với người tố cáo, yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung tố cáo. Trường hợp không làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan thì có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng để làm rõ nội dung tố cáo.

+ Làm việc với người bị tố cáo, yêu cầu giải trình về những nội dung bị tố cáo và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung bị tố cáo.

Trong trường hợp giải trình của người bị tố cáo chưa rõ, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người bị tố cáo cung cấp chưa đầy đủ thì yêu cầu người bị tố cáo tiếp tục giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ về các vấn đề còn chưa rõ.

+ Ban hành văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo. Trong trường hợp cần thiết, người xác minh trực tiếp làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo.

+ Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân.

+ Khi thời hạn xác minh nội dung tố cáo đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết tố cáo xem xét gia hạn thời hạn xác minh. Thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết tố cáo.

+ Kết thúc xác minh, người được phân công xác minh phải có văn bản báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo và đề xuất hướng giải quyết.

+ Ban hành quyết định giải quyết tố cáo.

– Việc giải quyết tố cáo phải được lập hồ sơ. Hồ sơ giải quyết tố cáo bao gồm:

+ Đơn tố cáo hoặc biên bản ghi nội dung tố cáo (nếu có);

+ Văn bản thông báo việc thụ lý tố cáo;

+ Quyết định phân công xác minh, kế hoạch xác minh nội dung tố cáo;

+ Văn bản giải trình về hành vi bị tố cáo;

+ Biên bản làm việc với người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

+ Thông tin, tài liệu, chứng cứ đã thu thập được;

+ Kết quả giám định (nếu có);

+ Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo;

+ Quyết định giải quyết tố cáo; các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ giải quyết tố cáo phải được đánh số bút lục theo thứ tự tài liệu và lưu trữ theo quy định của pháp luật.


Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
5/5 - (11 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email