Ngày 1/11, hàng chục cảnh sát môi trường, hình sự, kinh tế, cơ động và công an huyện Phú Ninh đồng loạt truy quét các điểm khai thác vàng trái phép Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Trang, Đập Thải, Suối Tre, Hố Lò 5, 6, 7, 10 và bãi Thầu Đâu, nhà máy Đỏ, Ngách Chụm, thuộc mỏ vàng Bồng Miêu.
Lực lượng chức năng phá hủy 12 máy nổ, 2 máy phát điện, một máy đục, 30 cối xay đá, 25 lán trại, 37 xe rùa, 5.000 m ống dẫn nước, 2.500 m dây điện. Thời điểm truy quét, những người đào vàng trái phép đã rút ra khỏi khu vực khai thác nên không bắt được ai, đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường cho biết.
Trước đó ngày 26/11, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Phú Ninh kiểm tra, truy quét các điểm khai thác vàng trái phép.
“Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuyệt đối không được làm ngơ, bao che”, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
Mỏ Bồng Miêu được khai thác từ thời Pháp, là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng và giấy phép hết hạn vào năm 2016. Năm 2018, tòa án đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty. Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng cửa mỏ vàng.
Tháng 3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với 368 ha, thời gian thực hiện 2022-2024. Đến nay, Quảng Nam đã lựa chọn nhà thầu tư vấn để khảo sát, lập dự án đầu tư đóng mỏ vàng.
Nhiều năm qua, mỏ vàng không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về đây tìm kiếm vận may. Tình trạng khai thác vàng trái phép khiến địa phương mất tài nguyên nhưng không thể thu thuế; đất đai bị đào bới, hóa chất, bùn thải ra môi trường không được xử lý, gây ô nhiễm. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, ngăn chặn, nhưng tình trạng tái diễn.
Bài viết liên quan: