Vì sao không công khai danh tính người mua bán dâm?

Công an vừa công bố triệt phá đường dây mua bán dâm nghìn USD của các tiếp viên hàng không, hotgirl. Mại dâm là tệ nạn xã hội gây nhiều hệ lụy, làm mất đi những giá trị thiêng liêng và đạo đức…

Việc xử lý hình sự người môi giới mại dâm đã được luật hóa, nhưng vì sao không công bố danh tính người mua bán dâm để người ta sợ mà hạn chế được tệ nạn này? –  Anh N.V.T gửi về cho Luật sư Quảng Ninh.

Luật sư tư vấn

Hiện nay không có quy định cho phép công khai tên tuổi của cả người mua và người bán dâm. Việc công khai danh tính của họ còn vi phạm Hiến pháp 2013, gây ảnh hưởng đến đời sống bí mật riêng tư cá nhân gia đình.

Mua dâm là gì? Hành vi mua dâm trái pháp luật có bị đi tù không?

        Hình ảnh minh họa

Cụ thể, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Vấn đề danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân cũng được bảo vệ bởi Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Hành vi mua bán dâm hiện không bị xử lý hình sự, song sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP (từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng). Trong khi đó, Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định “chỉ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động… Như vậy, không có quy định công bố về hành vi mua bán dâm nên cơ quan công an cũng như báo chí, tổ chức hoặc cá nhân khác không được quyền công khai quyết định xử phạt và thông tin cá nhân của những người mua bán dâm.

Ngoài ra, tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (sửa đổi bổi sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) cũng quy định xử phạt hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó tại điểm i Khoản 3 Điều 8 với mức phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với tổ chức; cá nhân vi phạm sẽ chịu mức phạt tiền bằng 1/2 mức quy định và buộc cơ quan báo chí xin lỗi, gỡ bỏ thông tin vi phạm đã đăng, phát.

Có ý kiến cho rằng cần công khai danh tính người mua bán dâm nhằm cảnh báo cho người khác và gián tiếp khuyến cáo không nên có thêm bất cứ trường hợp nào tương tự. Tuy nhiên, việc làm này không phù hợp với quy định pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người khác.

Việc công khai thông tin cá nhân hoặc hình ảnh không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ mà còn có khả năng hủy hoại cuộc sống gia đình, đường công danh sự nghiệp. Trên thực tế, không ít gia đình đã tan nát vì có người thân tham gia vào đường dây mua bán dâm, đặc biệt trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay thì chỉ cần vài giờ là hình ảnh của người tham gia hoạt động mua bán dâm đã tràn lan khắp các trang mạng xã hội, rồi lan truyền đến đồng nghiệp và người thân trong gia đình.

Nếu muốn ngăn chặn và giảm thiểu đi các trường hợp vi phạm về việc bán dâm thì cơ quan chức năng có thể áp dụng những biện pháp khác như thông báo về đơn vị làm việc của người đó để xem xét kỷ luật tại đơn vị hoặc thông báo về người thân, gia đình để giáo huấn, giúp họ suy nghĩ lại và không tiếp tục hành vi trên.

 

 

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

Đánh giá post
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email