Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp như thế nào?

Các bước tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp

Theo đó, trình tự thực hiện thủ tục giải thể được thực hiện như sau:

Giải thể

Bước 1: Thông qua quyết định giải thể công ty

Để có thể tiến hành giải thể doanh nghiệp trước hết doanh nghiệp cần tổ chức họp để thông qua quyết định giải thể. Theo đó, việc giải thể phải được thông qua bởi chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bởi Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bởi Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần và bởi các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.

Quyết định này thể hiện sự nhất trí của các thành viên về các vấn đề liên quan đến lý do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động và việc thành lập tổ thanh lý tài sản.

Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau:

– Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

– Lý do giải thể;

– Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể

– Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Bước 2: Thông báo công khai quyết định giải thể

Sau khi quyết định giải thể được thông qua, doanh nghiệp phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể doanh nghiệp biết về quyết định giải thể. Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 3: Thanh lý tài sản và thanh toán các khoản nợ của công ty

Khoản 2 và Khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về người tổ chức thanh lý tài sản và thứ tự thanh toán nợ. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau:

(1) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

(2) Nợ thuế;

(3) Các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ thể doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì thời hạn thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian này chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có mối quan hệ giao dịch phức tạp, tài sản có tính thanh khoản cao. Với những doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc có nhiều tài sản (như bất động sản), cần thời gian dài để thanh lý và trả nợ thì thời gian này có thể sẽ không đủ để giải quyết hết các hợp đồng và thanh toán công nợ.

Việc thanh toán các khoản nợ là rất phức tạp vì cần phải quy định một trình tự phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của những người liên quan.

Bước 4: Nộp hồ sơ giải thể

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 209 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp cũng được quy định cụ thể tại Điều 210 Luật này.

Bước 5: Cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Khoản 8 Điều 208 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định việc giải thể doanh nghiệp thực hiện theo hai phương thức:

– Trường hợp giải thể theo hồ sơ, Điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP quy định sau khi nhận được hồ sơ giải thể của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế gửi ý kiến về việc giải thể của doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp giải thể tự động, sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày thông báo tình trạng giải thể doanh nghiệp mà không nhận phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp.Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.

Thành phần hồ sơ, bao gồm:

– Thông báo về việc giải thể doanh nghiệp;

– Biên bản họp và Quyết định của Đại hội cổ đông về việc giải thể doanh nghiệp;

– Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán các khoản nợ về thuế và nợ bảo hiểm xã hội;

– Danh sách người lao động hiện có và quyền lợi người lao động đã được giải quyết;

– Xác nhận của Ngân hàng nơi Công ty mở tài khoản về việc doanh nghiệp đã tất toán tài khoản (trường hợp chưa mở tài khoản tại Ngân hàng, thì có văn cam kết chưa mở tài khoản và không nợ tại bất kỳ Ngân hàng, tổ chức cá nhân nào).

– Giấy tờ chứng minh doanh nghiệp đã đăng bố cáo giải thể theo quy định.

– Thông báo của Cơ quan Thuế về việc đóng mã số thuế; (trường hợp chưa đăng ký thuế thì phải có văn bản xác nhận của Cơ quan Thuế).

– Giấy chứng nhận của Cơ quan công an về việc doanh nghiệp đã nộp, huỷ con dấu theo quy định (trường hợp chưa khắc con dấu thì phải có văn bản xác nhận của Cơ quan Công an);

– Bản gốc Giấy chứng nhận ĐKKD/ĐKDN (đối với doanh nghiệp thành lập trước ngày 01/01/2000 phải nộp thêm Giấy phép thành lập doanh nghiệp);

– Báo cáo về việc thực hiện thủ tục giải thể, trong đó có cam kết đã thanh toán hết các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, giải quyết các quyền lợi hợp pháp của người lao động.

– Trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, VPĐD thì phải nộp kèm theo hồ sơ giải thể (chấm dứt hoạt động) của chi nhánh, VPĐD.

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

5/5 - (20 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email