Mục Lục
Trẻ 15 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Tôi có câu hỏi như sau do thiếu tiền tiêu vặt nên con trai tôi – G (15 tuổi) đã thực hiện hành vi trộm cắp số tiền 22.000.000 VND. Trong trường hợp này, con trai tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không ạ?
Luật sư Quảng Ninh tư vấn cho bạn như sau:
Tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 một số quy định được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Cháu G có hành vi trộm cắp 22.000.000 VND nên G phạm tội trộm cắp tài sản, người phạm tội trộm cắp tài sản đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội trộm cắp tài sản nếu tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015:
” 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Theo Điều 9 Bộ luật hình sự năm 2015 về phân loại tội phạm thì đây là tội phạm ít nghiêm trọng: “1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;”
Do đó, trong trường hợp này, cháu G mới đủ 15 tuổi nên G không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự vì đây là tội phạm ít nghiêm trọng.
Việc xử lý người dưới 16 tuổi ăn trộm tiền nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP,cụ thể thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi thực hiện hành vi ăn trộm và phải hoàn trả lại số tiền 22.000.000 đồng cho người đã mất.
Trẻ 15 tuổi phạm tội trộm cắp tài sản có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?(ảnh từ internet)
Phạm tội trộm cắp tài sản có được hưởng án treo không?
Tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP và được bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP quy định về điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo như sau:
Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo
Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
2. Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
c) Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
6. Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này.
Theo đó, người phạm tội trộm cắp tài sản cháu G sẽ được hưởng án treo nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định như trên. Cụ thể là
– Bị phạt tù không quá 3 năm.
– Có nhân thân tốt.
– Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
– Có nơi cư trú rõ ràng.
– Có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội.
Trân trọng!
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: