Thuận tình ly hôn là gì? Thủ tục thuận tình ly hôn năm 2024?

Thuận tình ly hôn là gì? Thủ tục thuận tình ly hôn năm 2024?

1. Ly hôn thuận tình là gì?

Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về ly hôn thuận tình như sau:

Ly hôn thuận tình

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Thủ tục thuận tình ly hôn năm 2024. (Ảnh từ Internet)

Thủ tục thuận tình ly hôn năm 2024. (Ảnh từ Internet)

2. Hồ sơ ly hôn thuận tình

Hồ sơ thuận tình ly hôn bao gồm:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao
  • Giấy chứng nhận kết hôn bản chính
  • Sao y chứng thực sổ hộ khẩu gia đình
  • Sao y chứng thực giấy khai sinh của con (nếu có)
  • Sao y chứng thực chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của hai bên vợ, chồng
  • Văn bản chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (nếu có)

Trong trường hợp hai bên vợ chồng bị thiếu một trong các giấy tờ kể trên thì có thể qua các thủ tục sau đây để có thể chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ.

  • Đối với giấy chứng nhận kết hôn của hai vợ chồng bị mất, thất lạc, hai vợ chồng có thể đến xin trích lục kết hôn,tại cơ quan đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn cho hai vợ chồng.
  • Sổ hộ khẩu bị thất lạc hai vợ chồng có thể đến công an xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để xin xác nhận nơi cư trú
  • Đối với chứng minh thư nhân dân của hai vợ chồng cùng tương tự như sổ hộ khẩu, vợ, chồng có thể đến cơ quan công an xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xin xác nhận nhân thân và xác nhận về nơi cư trú.
  • Giấy khai sinh của con bị thất lạc, một trong hai bên vợ chồng có thể đến cơ quan hộ tịch đã đăng ký khai sinh cho con để xin trích lục lại giấy khai sinh.

Các loại giấy tờ trên có tác dụng thay thế cho bản chính để làm hồ sơ ly hôn khi các giấy tờ bản chính bị thất lạc.

 

3. Nơi nộp hồ sơ ly hôn thuận tình

Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ đơn, cùng các giấy tờ tài liệu kèm theo, vợ chồng tiến hành nộp đơn kèm hồ sơ thuận tình ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của một trong hai bên vợ hoặc chồng.

Thẩm quyền theo cấp được xác định như sau: Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện (Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự).

Thẩm quyền theo lãnh thổ được quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn theo lãnh thổ sẽ là: Nơi 1 trong 2 bên cư trú (thường trú nếu không có thường trú mới xét đến tạm trú), làm việc.

4. Phương thức nộp đơn ly hôn thuận tình

Vợ, chồng chuẩn bị đủ hồ sơ ly hôn thuận tình gửi đến Tòa án nhân dân huyện nơi một trong hai bên cư trú, làm việc bằng các phương thức sau được quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính
  • Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn, ký điện tử và gửi đến Tòa án. Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

 

5. Những trường hợp tòa án không nhận đơn ly hôn thuận tình

Không phải trong mọi trường hợp, người có yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nộp đơn ly hôn thuận tình lên tòa cũng được Tòa án nhận đơn và giải quyết ly hôn. Tòa án sẽ không nhận đơn thuận tình ly hôn trong các trường hợp sau đây:

  • Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không có đủ chữ ký của hai bên vợ và chồng.
  • Trong đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn không thể hiện rõ được sự thỏa thuận của hai vợ chồng về con cái và tài sản.
  • Vợ, chồng thuận tình ly hôn nhưng làm sai mẫu đơn theo quy định của pháp luật.
  • Trong bộ hồ sơ ly hôn thuận tình, thiếu một trong các giấy tờ kể trên thì Tòa án sẽ không nhận đơn và yêu cầu về bổ sung đầy đủ.
  • Nộp đơn tại Tòa án không có thẩm quyền giải quyết việc công nhận thuận tình ly hôn.

 

6. Phí ly hôn thuận tình

Lệ phí ly hôn thuận tình (cũng có trường hợp gọi là chi phí ly hôn thuận tình) là số tiền mà người yêu cầu ly hôn phải nộp để Tòa án thực hiện thủ tục ly hôn dựa trên sự quy định của pháp luật về án phí, lệ phí.

Để tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án, người có yêu cầu ly hôn phải nộp hồ sơ tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết việc ly hôn.

Sau khi xem xét hồ sơ hợp lệ, Thẩm phán sẽ dự tính số tiền tạm ứng án phí và thông báo cho người có yêu cầu ly hôn để họ nộp tiền tạm ứng án phí giải quyết vụ việc ly hôn.

Theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, đối với vụ án hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau: Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí;

Như vậy, trong trường hợp ly hôn thuận tình, mỗi bên đương sự sẽ phải chịu 50% mức án phí, lệ phí phải nộp.

 

6.1 Mức nộp lệ phí khi ly hôn thuận tình

Ly hôn thuận tình được xác định là việc dân sự, không tranh chấp về tài sản. Căn cứ Danh mục án phí, lệ phí Tòa án Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì phí thuận tình ly hôn là 300.000 đồng.

 

6.2 Các trường hợp được miễn, giảm lệ phí ly hôn thuận tình

Theo quy định tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, Tòa án có thể giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí mà người đó phải nộp nếu gặp sự kiện bất khả kháng khiến bản thân không còn đủ tài sản để nộp và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

Trong đó, sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015. Đây là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Theo đó, để được giảm án phí thì vợ hoặc chồng – người có nghĩa vụ nộp phải gửi đơn cho Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giảm án phí kèm theo các chứng cứ, tài liệu chứng minh bản thân đủ điều kiện được giảm án phí.

Đơn đề nghị bắt buộc phải có các nội dung:

  • Ngày, tháng, năm làm đơn;
  • Họ, tên, địa chỉ của người làm đơn;
  • Lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.

 

7. Thời gian giải quyết ly hôn thuận tình

Tổng thời gian giải quyết thủ tục thuận tình ly hôn từ lúc tòa án thụ lý hồ sơ tới khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn là khoảng 2 đến 3 tháng. Trường hợp Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn thì thời gian là 30 ngày kể từ ngày Tòa thụ lý.

 

7.1 Thời gian xem xét và thụ lý đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

  • 03 ngày làm việc kể từ ngày được hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
  • 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi bổ sung hồ sơ của Thẩm phán, người yêu cầu tiến hành bổ sung hồ sơ.
  • Nếu xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
  • 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí thì người yêu cầu tiến hành nộp lệ phí giải quyết ly hôn thuận tình, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
  • Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự.
  • 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.

Như vậy, trong khoảng thời gian 10-15 ngày, Thẩm phán sẽ tiến hành xem xét đơn và ra quyết định thụ lý việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn để giải quyết.

Trân trọng!


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

Đánh giá post
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email