Tách thửa đất để chuyển nhượng cần chuẩn bị những loại hồ sơ gì và thủ tục cần thực hiện như thế nào?

Trường hợp tách thửa đất có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 về trường hợp người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cụ thể:

“Điều 99. Trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất 

1. Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:

[…]

i) Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;

[…]”

Theo đó, người sử dụng đất khi tách thửa sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tách thửa

Tách thửa đất để chuyển nhượng

Điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa được quy định như thế nào?

Khoản 23 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 75a vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP về điều kiện tách thửa đất như sau:

“23. Bổ sung Điều 75a như sau: 

“Điều 75a. Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa 

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.””

Từ đó có thể xác định điều kiện tách thửa bao gồm:

– Phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng;

– Điều kiện về diện tích tối thiểu được tách thửa theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

– Điều kiện tách thửa cụ thể khác tại địa phương.

Theo đó, khi thực hiện việc tách thửa đất, chủ sở hữu quyền sử dụng đất phải lưu ý đảm bảo các điều kiện tách thửa đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất đề ra trước khi thực hiện các thủ tục tách thửa đất.

Hồ sơ thực hiện việc tách thửa gồm những thành phần nào?

Theo quy định tại khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT) về hồ sơ cần nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa, cụ thể:

“Điều 9. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất

[…]

11. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất, gồm có: 

a) Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK; 

b) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

[…]”

Việc tách thửa được thực hiện theo những thủ tục gì?

Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 49 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) về trình tự, thủ tục thực hiện việc tách thửa, cụ thể:

– Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.

– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

+ Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

– Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất và chuyển Bản trích đo thửa đất mới tách cho người sử dụng đất để thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách;

+ Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

– Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;

+ Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

 

 

 

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

Đánh giá post
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email