Sai phạm trong đăng kiểm kéo dài nhiều năm, có tổ chức

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay sai phạm trong đăng kiểm “diễn ra nhiều năm, có tổ chức, nhiều cấp độ”; gây hậu quả lớn cho xã hội.

Chiều 10/5, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, trung bình một năm các vụ tai nạn giao thông khiến 8.000-10.000 người chết. “Dù không quy chụp hết nhưng trong đó có lỗi của cơ quan đăng kiểm”, ông nói.

Hơn 5 tháng qua, khi điều tra về các sai phạm trong đăng kiểm, Công an các tỉnh thành đã khởi tố hơn 50 vụ án với hơn 500 người về 7 tội: Giả mạo trong công tác; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Bộ Công an đánh giá “thủ đoạn nhận hối lộ” khá giống nhau. Theo đó, với xe không có lỗi, đăng kiểm viên sẽ gợi ý chi tiền bồi dưỡng từ 50.000 đến 200.000 đồng. Chủ phương tiện nếu không tham gia “luật chơi” sẽ bị tìm mọi cách để gây khó dễ, kéo dài thời gian đăng kiểm.

Với phương tiện có lỗi như xe thiếu dây đai ghế sau, thiếu búa phá cửa, thiếu gạt mưa, đổi màu sơn, hỏng một đèn phanh, lốp mòn, đăng kiểm viên sẽ ghi ra giấy để trên xe. Họ sau đó yêu cầu chủ phương tiện đưa thêm từ 100.000 trở lên, tùy theo lỗi.

Chủ xe không đồng ý chi sẽ phải đưa phương tiện về sửa chữa, đạt yêu cầu thì quay lại đăng kiểm. Ai đưa tiền, đăng kiểm viên sẽ hướng dẫn quay lại xếp hàng kiểm tra hoặc đánh giá luôn để cho đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Theo ông Yên, sáng nay Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất giao các cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý phù hợp với vụ án liên quan đăng kiểm. Các sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và nhiều trung tâm đăng kiểm được coi là “có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên tục, nhiều cấp độ”.

VKSND Tối cao sẽ chủ trì tham mưu ban hành cơ chế phân loại xử lý người liên quan, sau đó áp dụng thống nhất toàn quốc. Việc này nhằm xử lý sai phạm nhưng không ảnh hưởng đến việc đăng kiểm của người dân cũng như phát triển kinh tế – xã hội. Khi đó, người không chủ động vòi vĩnh, không cố ý hưởng lợi sẽ được tạo điều kiện để làm việc.

đăng kiểm, sai phạm

Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trả lời tại cuộc họp báo chiều 10/5.

Liên quan vụ án AIC, ông Yên cho biết “chưa bắt được bà Nhàn chứ không phải bắt được rồi giấu ở đâu”.

Với vụ án Việt Á, Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất lùi thời hạn kết thúc điều tra sang quý 2; ban hành cáo trạng truy tố, xét xử trong quý 3.

Tại cuộc họp sáng nay, Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay. “Ví dụ, có tỉnh liên tục hỏi trung ương nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền”, ông Yên nói.

Theo ông Yên, trước mắt Thường trực Ban chỉ đạo giao Ban cán sự đảng Chính phủ áp dụng biện pháp hành chính như thanh tra, kiểm tra ở những nơi xảy ra tình trạng không dám làm.

 

 

 

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

5/5 - (17 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email