Phân biệt tố cáo và tố giác

    Tố giác và tố cáo là hai khái niệm khác nhau, khiến nhiều người không phân biệt được và dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng. Vì vậy cần nắm rõ những quy định về hai khái niệm này. Luật sư Quảng Ninh xin tư vấn như sau: 

    1. Khái niệm

Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 giải thích về tố cáo như sau:

1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

(a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

(b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng sau đây:

(a) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

(b) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

(c) Cơ quan, tổ chức.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.”

Từ điển Tiếng Việt đã khái niệm Tố giác là việc “Báo cho cơ quan chính quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó”.

    Trên khía cạnh pháp lý, Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về tố giác như sau:

“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

    Từ khái niệm trên cho thấy: Tố cáo và Tố giác về tội phạm có những điểm khác biệt nhất định.

    Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm.

    Còn Tố giác về tội phạm chỉ bao gồm hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

    Điểm khác biệt cơ bản giữa hai khái niệm này là: Tố cáo là quyền của công dân, còn Tố giác về tội phạm vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Quan hệ pháp luật về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật chỉ phát sinh sau khi công dân thực hiện quyền tố cáo, còn quan hệ pháp luật tố giác về tội phạm thì phát sinh ngay khi công dân biết về tội phạm.

    2. Chủ thể

    – Chủ thể Tố cáo là cá nhân, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, người bị tố cáo cũng phải có tên tuổi, địa chỉ, nội dung tố cáo phải chỉ rõ hành vi bị tố cáo.

    – Chủ thể của Tố giác là cá nhân, chủ thể này cho rằng có một sự kiện vi phạm pháp luật đã hoặc sẽ xảy ra ngoài xã hội có dấu hiệu tội phạm, là một hình thức cung cấp nguồn tin, dấu hiệu hay sự việc vi phạm pháp luật bằng cách báo cho cơ quan Nhà nước xem xét, làm rõ.

    3. Đối tượng

    – Đối tượng của Tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm.

    – Đối tượng của Tố giác về tội phạm chỉ có hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm.

    Phải có “Có dấu hiệu tội phạm” theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với tội phạm tương ứng thì sử dụng đơn tố giác tội phạm sẽ chính xác hơn. Trong khi đó chỉ cần phát hiện hành vi vi phạm pháp luật dù thuộc lĩnh vực dân sự hay hành chính thì đã có thể tố cáo được.

 

 

Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

5/5 - (22 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email