Người nhận hối lộ nhiều nhất vụ ‘chuyến bay giải cứu’ tiếp tục ra tòa

HÀ NỘI – Cựu thư ký thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ 253 lần, tổng cộng 42,6 tỷ đồng, hôm nay ra tòa với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù chung thân.

Sáng 25/12, phiên phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét kháng cáo của 21 người trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Trong 19 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, ngoài bị cáo Phạm Trung Kiên có cựu cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, án sơ thẩm 16 năm tù; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, án chung thân và Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, án chung thân… đều về tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an, bị tòa sơ thẩm phạt tù chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kháng cáo kêu oan. Song trước phiên phúc thẩm, bị cáo được gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả, 800.000 USD (18,8 tỷ đồng) và bất ngờ thay đổi nội dung kháng cáo sang xin giảm nhẹ.

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng bị áp giải đến phiên phúc thẩm, trước đó xin được xét xử vắng mặt.

Do đó, người duy nhất còn giữ kháng cáo kêu oan trong vụ án là Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa), án sơ thẩm 18 năm tù về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ.

Bị cáo Phạm Trung Kiên được tòa sơ thẩm kết luận nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, cả về số lần và số tiền. Trong 11 tháng, bị cáo này đã 253 lần nhận tổng cộng 42,6 tỷ đồng của 18 người đại diện doanh nghiệp. Từ tháng 7 đến 11/2021, ông Kiên 7 lần nhận 6 tỷ đồng tại trụ sở Bộ Y tế. Những lần khác, ông nhận tiền thông qua tài khoản của mẹ vợ hoặc bên ngoài trụ sở Bộ Y tế.

Tại phiên toà sơ thẩm, ông Kiên bị các chủ doanh nghiệp tố “quát tháo, ép đưa tiền”, ra giá 150 triệu đồng một chuyến bay hoặc 7-15 triệu đồng mỗi khách lẻ, song phủ nhận, nói doanh nghiệp chủ động cảm ơn.

Cựu thư ký thứ trưởng Y tế, Phạm Trung Kiên, ngày 25/12. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu thư ký thứ trưởng Y tế, Phạm Trung Kiên, ngày 25/12.

Ông Kiên khai số tiền nhận đã đưa người nhà vay và mua đất. Ông từng bị VKS đề nghị án tử hình, nói bị ám ảnh tội lỗi, muốn chết để giải tỏa áp lực. Sau khi nộp khắc phục tổng 30 tỷ đồng, ông được tòa sơ thẩm tuyên án chung thân.

Tại nhóm Đưa hối lộ, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc công ty Bluesky, bị cáo buộc đưa hối lộ nhiều nhất vụ án với 63 lần, tổng cộng hơn 38 tỷ đồng để được phê duyệt 109 chuyến bay.

Trung bình mỗi chuyến bay Blue Sky hối lộ 353 triệu đồng. Với lượng khách bình quân 251 người một chuyến, mỗi khách “gánh” thêm 1,4 triệu đồng cho giá vé.

Cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, ngày 25/12. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, ngày 25/12.

Tại phiên sơ thẩm, Tổng giám đốc Sơn phủ nhận “câu kết quan chức, lợi dụng dịch bệnh để tranh thủ trục lợi”. Bị cáo khai tổ chức được một chuyến bay “rất vất vả”, chi phí cao, tiền đưa hối lộ nhiều nên “doanh nghiệp hầu như không được lợi nhuận”.

Sơn sau này được bà Hằng, thông qua cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, lo lót “chạy án” bằng cách đưa tiền cho cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng song bất thành. Bị cáo Hằng và Sơn do đó được tòa sơ thẩm xác định là bị hại từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hưng.

Tòa sơ thẩm xác định bị cáo Hằng và Sơn đưa 800.000 USD với mục đích hối lộ, thực hiện giao dịch trái pháp luật, cựu điều tra viên Hưng phải truy nộp sung công quỹ Nhà nước. Do đó, số tiền bị cáo Hưng vừa nộp khắc phục trước phiên phúc thẩm sẽ không được trả lại cho Sơn và Hằng.

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng kháng cáo xin giảm hình phạt. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng kháng cáo xin giảm hình phạt.

Bản án sơ thẩm, tuyên ngày 28/7, sau 18 ngày xét xử, xác định, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép tổ chức các chuyến bay combo người dân tự trả phí vé máy bay và cách ly.

Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố, nơi thực hiện cách ly. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để có chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

54 bị cáo bị xét xử, trong đó có 21 cựu cán bộ các bộ ngành, địa phương, chủ yếu vì tội Nhận hối lộ, với “kỷ lực” đưa nhận hối lộ 515 lần, tổng 165 tỷ đồngCấp sơ thẩm đã tuyên 4 án tù chung thân, 40 án tù có thời hạn và 10 án treo.

Trong 33 người không kháng cáo có cựu trợ lý phó thủ tướng Nguyễn Quang Linh, án sơ thẩm 7 năm tù; cựu phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng, án sơ thẩm 3 năm tù; hai cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và Angola, ông Vũ Hồng Nam và Vũ Ngọc Minh, cùng 30 tháng tù… Các cựu quan chức này đều bị kết tội Nhận hối lộ.

Phiên phúc thẩm dự kiến kéo dài 4 ngày.

 

 

 

 

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

5/5 - (10 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email