LUẬT SƯ QUẢNG NINH – Câu hỏi: Hiện nay, vì dịch Covid-19 ở Hà Nội diễn biến phức tạp, công ty tôi làm việc có kế hoạch cho toàn bộ nhân viên nghỉ làm 2 tháng. Thời gian này mỗi người sẽ được công ty hỗ trợ 4.100.000 đồng/tháng. Tôi được nghe nói rằng trong khoảng thời gian nhận số tiền hỗ trợ, công ty sẽ tạm dừng đóng BHXH cho người lao động. Xin hỏi luật sư, pháp luật có quy định về vấn đề này hay không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng Luật sư Quảng Ninh và gửi câu hỏi. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Bộ luật lao động năm 2019;
– Nghị định 90/2019/NĐ-CP;
– Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017.
2. Về vấn đề trả lương người lao động trong trường hợp nghỉ dịch
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
– Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
– Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng như sau:
– Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng I.
– Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng II.
– Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng III.
– Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng IV.
Công ty bạn có trụ sở tại Hà Nội là Doanh nghiệp thuộc vùng I, do đó việc đưa ra mức lương 4.100.000 đồng/ tháng đã vi phạm quy định của pháp luật. Với khoảng thời gian nghỉ 2 tháng, bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về mức lương (không thấp hơn mức tối thiểu vùng).
3. Về vấn đề đóng BHXH
Khoản 8 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định như sau: “Người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và đơn vị thực hiện đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc”.
Như vậy, nếu công ty cho NLĐ nghỉ làm mà được trả lương ngừng việc thì công ty vẫn phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Mức đóng BHXH sẽ được tính theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
Trên đây là tư vấn của Luật sư Quảng Ninh về vấn đề Người lao động nghỉ dịch được trả lương có được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?. Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188 để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: