2 Ngân hàng không có lỗi, khách hàng bật khóc tại tòa

Ngân hàng không có lỗi, khách hàng bật khóc tại tòa: Bị lừa đảo 26,5 tỷ đồng, khách hàng kiện Vietcombank và Techcombank.

Ngân hàng không có lỗi, khách hàng bật khóc tại tòa: Bị lừa đảo 26,5 tỷ đồng, khách hàng kiện Vietcombank và Techcombank. (Ảnh từ Internet)

 

Bị kẻ gian dùng thủ đoạn quen thuộc để lừa mất 26,5 tỷ đồng trong tài khoản, nữ khách hàng khởi kiện 2 ngân hàng Vietcombank và Techcombank đòi bồi thường.

Sau khi TAND TP. Từ Sơn tuyên Vietcombank và Techcombank có “một phần lỗi”, buộc bồi thường cho khách hàng lần lượt 700 triệu và 800 triệu đồng, thì cả nguyên đơn, bị đơn và Viện Kiểm sát đều cùng kháng nghị bản án sơ thẩm.

 

Bị kẻ gian lừa 26,5 tỷ đồng, người phụ nữ khởi kiện ngân hàng

Chiều 2/7, TAND tỉnh Bắc Ninh dự kiến tổ chức 2 phiên phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo đó, nguyên đơn là bà Trần Thị Chúc (50 tuổi, trú tại TP.Từ Sơn, Bắc Ninh), bị đơn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Báo Thanh Niên dẫn hồ sơ vụ án cho biết, vào tháng 4/2022, bà Chúc được một người tên Dầu tự giới thiệu là đang công tác tại Cục Quản lý giao thông đường bộ Đà Nẵng và một người tên Hải tự xưng là cán bộ tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

Còng tay

Hai người này nói bà Chúc gây tai nạn giao thông tại địa bàn TP. Đà Nẵng và có liên quan đến một đường dây buôn ma túy, rửa tiền. Các đối tượng yêu cầu bà Chúc mở 2 tài khoản ngân hàng và cài đặt “phần mềm bảo mật” vào điện thoại, cũng như chuyển 26,5 tỷ đồng để “chứng minh nguồn tài chính trong sạch”.

Tin lời, bà Chúc đã làm theo hướng dẫn, cài đặt phần mềm (có thể đọc, gửi, xử lý tin nhắn; đọc, tạo mới lịch sử cuộc gọi, truy cập vị trí thiết bị…) như các đối tượng yêu cầu.

Sau đó, ngày 22/4/2022, bà Chúc đến Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc mở tài khoản giao dịch, rồi chuyển tổng cộng hơn 11,9 tỷ đồng vào tài khoản này.

Hôm sau, bà Chúc tiếp tục đến Techcombank chi nhánh Từ Sơn, mở tài khoản và chuyển vào đây hơn 14,6 tỷ đồng.

Theo bà Chúc, trong thời gian bà chuyển tiền vào các tài khoản, bà không nhận được bất cứ cuộc gọi điện thoại hay tin nhắn nào về biến động số dư tới số điện thoại mà bà đã đăng ký lúc mở tài khoản.

Ngày 25/4/2022, bà Chúc đến trụ sở 2 ngân hàng kiểm tra số dư thì hoảng hốt phát hiện chỉ còn hơn 114.000 đồng trong tài khoản mở tại Vietcombank. Trong khi đó, tài khoản mở tại Techcombank chỉ còn 0 đồng tròn trĩnh, dù bà không thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền nào.

Bà Chúc sau đó đã đệ đơn khởi kiện, yêu cầu 2 ngân hàng bồi thường toàn bộ số tiền 26,5 tỷ đồng, vì cho rằng nhân viên ngân hàng có nhiều “lỗi sai phạm nghiệp vụ chuyên môn”.

Theo bà Chúc, bà không được hướng dẫn cách bảo mật tiền trong tài khoản, không được tư vấn về tính năng sản phẩm và hậu quả pháp lý, rủi ro có thể xảy ra.

Bà cũng cho biết không được tư vấn về tầm quan trọng của tin nhắn SMS và mã OTP, nhân viên quầy giao dịch tự điền các thông tin thay bà khi chưa giải thích quy định cụ thể cho khách hàng…

Ngoài ra, điện thoại di động của bà không nhận được bất cứ tin nhắn nào về biến động số dư, mà theo bà là nguyên nhân chính dẫn tới số tiền bị chiếm đoạt. Bà quy kết ngân hàng đã không áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn việc kẻ gian tẩu tán tiền của khách hàng.

Ngược lại, cả 2 ngân hàng khẳng định đã tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thực hiện đầy đủ các quy định về chuyên môn nghiệp vụ khi tư vấn và lập hồ sơ mở tài khoản cho khách hàng.

Ngân hàng cho rằng, nguyên nhân bà Chúc bị mất tiền là do bà cài đặt “phần mềm bảo mật”, dẫn tới mất quyền truy cập sử dụng điện thoại, các tin nhắn mà ngân hàng gửi tới đều bị kiểm soát. Do vậy, ngân hàng không có lỗi, không có trách nhiệm bồi thường.

Tù nhân bị còng tay

Các bên cùng kháng nghị bản án sơ thẩm

Tháng 2 và tháng 3/2024, TAND TP. Từ Sơn đã lần lượt mở 2 phiên tòa sơ thẩm. HĐXX xác định, nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới việc bà Chúc bị chiếm đoạt tiền là do bà đã nghe lời kẻ gian cài đặt phần mềm bảo mật giả, vô tình đánh mất quyền kiểm soát số điện thoại, máy điện thoại.

Tuy vậy, HĐXX cho rằng Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc cũng “có một phần lỗi” do đã không giải thích kỹ các quy định của ngân hàng, không cảnh báo trước thủ đoạn lừa đảo.

Vietcombank có niêm yết công khai điều khoản và điều kiện liên quan mở và sử dụng tài khoản, tại trụ sở chi nhánh Kinh Bắc và trên trang điện tử của ngân hàng. Tuy nhiên, hình thức niêm yết tại trụ sở Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc “không thuận lợi cho khách hàng” quan sát và dễ dàng tiếp cận tài liệu.

Ngoài ra, phía ngân hàng này cũng thừa nhận chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp xử lý khẩn cấp theo quy định của Vietcombank về xử lý sự cố gian lận, do đó phải chịu một phần trách nhiệm.

Techcombank thì chỉ đăng các thông tin trên trang điện tử, nhưng hình thức đó “chỉ công khai với một số khách thành thục sử dụng mạng, một số không tiếp cận được”. Theo nội dung Bộ luật Dân sự, công khai phải được hiểu là niêm yết công khai tại trụ sở để khách hàng đến giao dịch tiếp cận trước khi ký kết hợp đồng…

HĐXX sơ thẩm cho rằng, những yếu tố trên là nguyên nhân gián tiếp khiến khách bị lừa mất tiền. Từ đó, toà buộc Vietcombank phải bồi thường 700 triệu đồng, Techcombank bồi thường 800 triệu đồng cho bà Chúc, tương ứng 5 – 6% lỗi.

Sau phiên sơ thẩm, bà Chúc kháng cáo vì cho rằng tòa chưa đánh giá đúng lỗi của ngân hàng, tuyên bồi thường quá ít. Ngược lại, các ngân hàng cũng kháng cáo đề nghị không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Chúc.

Đáng chú ý, Viện KSND TP. Từ Sơn cũng đã có kháng nghị đối với cả 2 bản án sơ thẩm.

Theo đó, trước khi mở tài khoản tại 2 ngân hàng trong vụ án này, bà Chúc đã có nhiều tài khoản ngân hàng khác, không phải lần đầu mở. Khi mở tài khoản, bà có ký hợp đồng với điều khoản thể hiện đã được cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ.

Tiền 500.000 VND trên tay - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.06.2024

Khi phát sinh các giao dịch đối với tài khoản ngân hàng, bà Chúc không đăng nhập vào ứng dụng trên điện thoại để kiểm tra, cập nhật thông tin tài khoản. Ngoài ra, từ khi phát hiện bị chiếm đoạt tiền, bà Chúc không có đơn đề nghị ngân hàng về việc tra soát thu hồi tiền, cũng không khiếu nại, yêu cầu ngân hàng bồi thường mà chỉ yêu cầu hỗ trợ in sao kê tài khoản để cung cấp cho công an.

Từ những lập luận trên, Viện KSND TP. Từ Sơn cho rằng chưa có đủ căn cứ để xác định các ngân hàng có lỗi trong việc nguyên đơn bị mất tiền.

Bên cạnh đó, bản án sơ thẩm cũng không đánh giá lỗi cụ thể của ngân hàng là bao nhiêu phần trăm. Việc toà sơ thẩm tuyên bồi thường 5 – 6% nhưng lại ấn định con số 700 triệu đồng và 800 triệu đồng là chưa hợp lý trong vụ án này.

Luật sư bào chữa: Nhân viên làm đúng thì khách hàng sẽ không mất tiền?

Cũng trong phần xét hỏi, trả lời hội đồng xét xử, bà Chúc cho biết trước khi mở tài khoản tại Techcombank, bà đã có tài khoản tại 2 ngân hàng khác, từng thực hiện chuyển tiền qua internet banking.

Hội đồng xét xử đề cập tới việc bà Chúc được 2 đối tượng xưng là cán bộ, yêu cầu cài đặt phần mềm bảo mật và nộp tiền để “chứng minh sự trong sạch”, nhưng bà Chúc nói do đã lâu ngày, cơ quan điều tra cũng chưa có kết luận chính thức, nên từ chối nhiều câu hỏi.

Bảo vệ quyền lợi cho bà Chúc, luật sư cho rằng nếu nhân viên Techcombank thực hiện đúng và đủ trách nhiệm khi tư vấn thủ tục mở tài khoản cho bà Chúc, hướng dẫn cho khách sử dụng tài khoản, bảo mật thông tin, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo… để khách hiểu, thì bà Chúc đã không bị kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết để lừa đảo.

Theo luật sư, hành vi này của nhân viên ngân hàng vi phạm quy định tại Nghị định 88/2019, bao gồm không khuyến cáo cho người sử dụng về nguyên tắc, phạm vi sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng; không hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên internet.

Cạnh đó, khi sự cố xảy ra đối với tài khoản của bà Chúc, với trách nhiệm của mình, Techcombank phải xử lý và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Đại diện ngân hàng cho rằng đã báo cáo nhưng lại không xuất trình được văn bản chứng minh.

Luật sư đặt giả thiết nếu sự việc được báo kịp thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp chỉ đạo các ngân hàng liên quan chặn dòng tiền, không cho kẻ gian tẩu tán. “Techcombank đáng ra phải hành động kịp thời, biết có người trộm tiền phải chạy theo truy đuổi, chứ cả tuần, cả tháng sau mới báo cáo, thì có được gọi là kịp thời và đúng trách nhiệm?”, luật sư chất vấn và đề nghị ngân hàng bồi thường cho thân chủ.

Tranh luận với luật sư, đại diện Techcombank khẳng định đã thực hiện đúng trách nhiệm của tổ chức tín dụng. Hợp đồng giao kết giữa hai bên đã quy định cả về trách nhiệm của khách hàng trong việc bảo mật thông tin, quản lý số dư tài khoản…, tuy nhiên khách hàng đã không tuân thủ đầy đủ.

Theo vị đại diện, việc bảo vệ tiền trong tài khoản là trách nhiệm của cả tổ chức tín dụng và khách hàng. Techcombank đang làm đúng nhưng khách hàng thì không, bằng việc cài đặt phần mềm bảo mật giả. Chính hành vi này dẫn tới khách hàng bị mất quyền truy cập điện thoại, từ đó mất tiền trong tài khoản. Việc mất tiền hoàn toàn do lỗi của khách hàng, khách hàng tự chịu trách nhiệm.

Hơn thế, Techcombank là tổ chức tín dụng, không phải cơ quan điều tra nên không thể và cũng không có trách nhiệm trong việc xác minh kẻ gian là ai, số tiền đang ở đâu, chuyển đi như thế nào. Khi sự cố xảy ra, ngân hàng đã thực hiện trong phạm vi có thể, bằng việc tư vấn khách hàng tạm khóa tài khoản, hướng dẫn trình báo, đồng thời phối hợp cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra…

Hội đồng xét xử: Lỗi hoàn toàn của khách hàng, ngân hàng không phải bồi thường

Sau ít phút nghị án, hội đồng xét xử nhận định, dù thời điểm mở tài khoản, bà Chúc không được biết toàn bộ nội dung các điều kiện, điều khoản trên website của Techcombank nhưng đã được nhân viên ngân hàng giải thích cơ bản. Khi đặt bút ký, bà Chúc “cần phải biết và buộc phải biết” về các điều khoản này.

Vẫn theo hội đồng xét xử, quá trình thực hiện giao dịch tại quầy kéo dài gần 30 phút. Bà Chúc đưa điện thoại về phía giao dịch viên một thời gian đủ để trợ giúp bà tải app, kích hoạt tài khoản. Bà Chúc dùng mật khẩu tạm thời để đăng nhập, đổi mật khẩu thành công và rời đi. Do đó, lời khai của bà Chúc về việc không được đọc lại hợp đồng, không được cài đặt và kích hoạt ứng dụng trên điện thoại là không phù hợp.

Chưa kể, Techcombank đã cung cấp cho bà Chúc các yếu tố định danh (tên truy cập, số điện thoại, mật khẩu, mã số bí mật dùng 1 lần, mã OTP để kích hoạt và sử dụng Techcombank mobile…). Từ yêu cầu của 2 đối tượng tự xưng là cán bộ, bà Chúc sau đó hủy ứng dụng trên điện thoại iPhone và đăng ký trên thiết bị khác.

Theo quy tắc chuyển khoản tại Techcombank, chỉ bà Chúc biết mã OTP và mật khẩu đăng nhập để chuyển tiền, do vậy việc bà đăng nhập bằng mật khẩu do chính bà thiết lập thể hiện ý chí chủ quan của mình. Các giao dịch chuyển tiền được coi là hợp lệ.

Mặt khác, việc bà Chúc cài đặt các phần mềm độc hại đã gián tiếp cung cấp cho kẻ gian tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP để giao dịch trên ứng dụng ngân hàng, dẫn đến mất tiền. Khi chuyển tiền vào tài khoản vừa mở, bà Chúc không chủ động kiểm tra số dư, cũng là điều kiện để kẻ gian chuyển tiền đi tài khoản khác.

Hội đồng xét xử cho rằng nếu bà Chúc thường xuyên đăng nhập ứng dụng, kiểm tra số dư tài khoản, có thể đã sớm phát hiện hành vi lừa đảo để có các biện pháp kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại xảy ra.

Từ những căn cứ đã nêu, tòa phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của Techcombank và kháng nghị của VKSND TP.Từ Sơn. Theo đó, Techcombank không có lỗi trong việc bà Chúc bị mất tiền và không phải bồi thường bất cứ đồng nào. Bà Chúc  bật khóc tại tòa.


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

Đánh giá post
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email