Kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký có bị xử phạt không?

  1. Kinh doanh ngành nghề không có trong giấy phép có bị phạt?

Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP có quy định doanh nghiệp được phép kinh doanh ngành nghề không có trong giấy phép những phải thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Chỉ được phép kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, trừ trường hợp kinh doanh có điều kiện;
  • Phải thực hiện gửi thông báo, đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi có thay đổi.
  • Nếu gửi thông báo, đăng ký quá thời hạn quy định, doanh nghiệp vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
  1. Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại

Pháp luật hiện nay đã không còn quy định xử phạt khi kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký. Chỉ quy định xử phạt đối với các vi phạm giấy phép kinh doanh.

Căn cứ Điều 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng nếu có một trong những hành vi vi phạm sau:

  • Tẩy xóa, viết thêm, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh;
  • Cho mượn, cho thuê, thế chấp, cầm cố, bán, chuyển nhượng giấy phép kinh doanh;
  • Mượn, thuê, nhận thế chấp, nhận cầm cố, mua, nhận chuyển nhượng giấy phép kinh doanh.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng nếu có hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn, quy mô, địa điểm hoặc mặt hàng được ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 15.000.000 đồng nếu có một trong những hành vi vi phạm sau:

  • Kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo đúng quy định;
  • Kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi giấy phép kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp đã hết hiệu lực;
  • Kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh;
  • Sử dụng giấy phép kinh doanh của thương nhân khác để hoạt động kinh doanh.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng nếu có hành vi tiếp tục kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đỉnh chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định phạt tiền gấp hai lần mức phạt được nêu trong các trường hợp trên nếu như đối tượng hoạt động sản xuất rượu công nghiệp; chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá; sản xuất sản phẩm thuốc lá; kinh doanh phân phối, bán buôn rượu hoặc là sản phẩm thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Như vậy, bạn có thể hiểu nếu doanh nghiệp có hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn, quy mô, địa điểm hoặc mặt hàng được ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp có thể bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu hoạt động kinh doanh các hàng hóa đặc biệt trên sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh từ 1 tháng đến 3 tháng nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

kinh doanh

  1. Quy định về cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính

Thẩm quyền xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại khi kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký được quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

Thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp xã

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền như sau:

  • Phạt cảnh cáo;
  • Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân có vi phạm và phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị 5.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và 10.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm;
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp huyện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền như sau:

  • Phạt cảnh cáo;
  • Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm;
  • Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị 50.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và 100.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm;
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
    • Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
    • Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
    • Buộc thu hồi hàng hóa, sản phẩm không đảm bảo chất lượng;
    • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đã có được từ hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tiêu hủy, tẩu tán trái với quy định của pháp luật;
    • Buộc thu hồi hàng hóa có khuyết tật;
    • Buộc hủy bỏ kết quả đã mở thưởng và tổ chức mở thưởng lại đối với những chương trình khuyến mại mang tính may rủi;
    • Buộc sửa đổi lại hợp đồng đã giao kết hoặc là buộc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo đúng quy định pháp luật;
    • Buộc thu hồi lại tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc phải gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp.

Thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền như sau:

  • Phạt cảnh cáo;
  • Phạt tiền đến mức tối đa theo quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP;
  • Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
  • Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.
  1. Kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký phải làm sao?

Khi gặp phải tình huống ngày, người đại diện của doanh nghiệp phải thực hiện ngay việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (làm thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh) tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Lúc này, hoạt động của doanh nghiệp mới hợp pháp theo quy định.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thời hạn để người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi ngành nghề kinh doanh.

Nếu doanh nghiệp có làm thủ tục thông báo, đăng ký thay đổi tại cơ quan có thẩm quyền, thì căn cứ vào thời điểm nộp, doanh nghiệp vẫn có thể bị xử phạt hành chính trong những trường hợp sau đây:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng nếu có hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn từ 1 đến 30 ngày;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng cho đến 10.000.000 đồng nếu có hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn từ 31 đến 90 ngày;
  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng cho đến 5.000.000 đồng nếu có hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn từ 91 ngày trở lên.

Trên đây là một số quy định pháp luật quy định xử phạt khi kinh doanh không đúng ngành nghề đăng ký. Nếu như bạn đọc có còn thắc mắc gì khác về vấn đề trên, hoặc có vướng mắc về vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ ngay với Luật sư Quảng Ninh để nhận được sự hỗ trợ tư vấn chi tiết và cụ thể.

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

5/5 - (15 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email