Kinh doanh đồ điện tử cũ nhập lậu ở nước ngoài bị xử phạt thế nào ?

Tôi hay mua sắm online trên các trang thương mại điện tử. Tôi hay thấy nhiều người rao bán tủ lạnh, điều hoà, ti vi đã qua sử dụng được nhập lậu vào Việt Nam từ nước ngoài. Nếu như buôn bán mặt hàng này sẽ bị xử phạt thế nào ?

Đồ điện tử gia dụng cũ hỏng được xử lý như thế nào - VnExpress Số hóa

Anh L.Đ.H (Quảng Ninh) gửi câu hỏi.

Cảm ơn câu hỏi của anh L.Đ.H. Chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc như sau.

Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15.5.2018 quy định rõ danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, trong đó bao gồm hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đã qua sử dụng. Vậy nên, những cửa hàng bán đồ điện tử cũ nhập lậu từ các nước về sẽ không có hóa đơn, giấy tờ liên quan đến sản phẩm, không được kiểm chứng vì đây là mặt hàng bị cấm kinh doanh.

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26.8.2020, “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, người có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì tùy mức giá trị hàng hóa vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, khoản 7 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định, hành vi nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng để tái chế là một trong những hành vi nghiêm cấm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó có quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vật liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định này quy định mức phạt cho hành vi này từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng. Bên cạnh đó, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và hình thức xử phạt bổ sung kèm theo

Đây là mức phạt dành cho các cá nhân vi phạm, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp 2 lần so với cá nhân căn cứ tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022.

Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành có thể xử lý hình sự như người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 309 và 311 thì có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 

 

 

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

 

5/5 - (13 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email