Mục Lục
1. Khiếu nại là gì?
Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, đã được Hiến pháp ghi nhận và đảm bảo thực hiện.
Hiện nay, nước ta vẫn đang áp dụng các quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011 đối với lĩnh vực khiếu nại. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng giúp người dân thuận tiện trong việc thực hiện quyền khiếu nại của mình.
Đồng thời giúp cho cơ quan hành chính nhà nước và những người có trách nhiệm có thể tiến hành xử lý các vụ việc theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định.
Cụ thể, Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 giải thích:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, khiếu nại được xem là quyền cơ bản của công dân, cá nhân có quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trong đó:
– Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
– Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
– Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Theo Điều 8 Luật Khiếu nại, việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
– Trường hợp khiếu nại bằng đơn:
+ Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại;
+ Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại;
+ Nội dung, lý do khiếu nại;
+ Tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại;
+ Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
– Trường hợp đến khiếu nại trực tiếp: Người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
3. Quy trình, thủ tục khiếu nại thực hiện ra sao?
Căn cứ theo các quy định tại Luật Khiếu nại, thủ tục khiếu nại được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Người khiếu nại đến trực tiếp khiếu nại hoặc nộp đơn khiếu nại
Bước 2: Thụ lý đơn khiếu nại
Bước 3: Xác minh nội dung trong đơn khiếu nại
Bước 4: Thông báo giải quyết khiếu nại và tổ chức đối thoại
Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại và thi hành quyết định.
4. Người khiếu nại có quyền và nghĩa vụ gì?
Điều 12 Luật Khiếu nại quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại như sau:
– Người khiếu nại có các quyền:
+ Tự mình khiếu nại.
+ Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
+ Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại.
+ Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.
+ Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước.
+ Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại.
+ Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó.
+ Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại.
+ Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
+ Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;
+ Rút khiếu nại.
– Bên cạnh các quyền trên thì người khiếu nại còn có nghĩa vụ:
+ Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết.
+ Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
+ Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành.
+ Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: