Sau đây là một trường hợp về tặng cho tài sản có điều kiện. Cụ thể:
Tại Bản án 101/2019/DS-PT ngày 19/09/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng tặng cho giữa nguyên đơn cụ Phạm C và bị đơn ông Phạm văn L và bà Nguyễn Thị H.
“Ngày 17/8/2006 cụ C có lập “Giấy cho đất và nhà ở” cho con là Ông L, với nội dung cụ C cho ông L đất và nhà ở, cùng một số vật dụng, đồng thời ông L phải cam kết có trách nhiệm đối với cụ C gồm: “Nuôi cha và lo thuốc thang khi cha đau ốm; khi cha chết thì phải phối hợp với anh, chị, em lo ma chay và mồ mả cho cha mình; hàng năm phải lo giỗ chạp ông bà gồm: giỗ mẹ, giỗ bà nội, giỗ ông nội, giỗ bác hai, tế xuân và các đại lễ của Phật như: Rằm tháng Tư, rằm tháng Bảy; có trách nhiệm nạp các khoản cho nhà nước theo quy định có liên quan…”.Giấy này được Ban lãnh đạo thôn N; Ban tư pháp xã và Uỷ ban nhân dân xã S chứng thực.
Ngày 1/10/2014 các bên đến Phòng công chứng công chứng hợp đồng tặng cho tài sản cho ông L diện tích đất 607,2m2 (trong đó có 200m2 đất ở nông thôn) và được Ủy ban nhân dân thị xã P cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20-10-2014 cho Ông L. Hợp đồng tặng cho không ghi 03 điều kiện trên.
Trên thực tế cụ C chỉ giao cho ông L diện tích đất 310,9m2 (trong đó có 100m2 đất ở nông thôn) để ông L, bà H xây nhà trên đất. Còn cụ C vẫn sử dụng diện tích 296,3m2 đất (trong đó có 100m2 đất ở nông thôn), tọa lạc tại Thôn N, xã L, thị xã P, tỉnh Bình Phước và tài sản trên đất.
Cụ C cho rằng ông L và bà H nhiều lần ngược đãi và xúc phạm, không chăm lo sức khỏe và đuổi ông nên ông không có chổ ở. Nay cụ C yêu cầu Tòa án buộc Ông Phạm Văn L và bà Nguyễn Thị H trả lại diện tích 296,3m2 đất (trong đó có 100m2 đất ở nông thôn). Chỉ đồng ý cho phần diện tích đất mà ông H và bà L đang sinh sống là 310,9m2 (trong đó có 100m2 đất ở nông thôn).”
Mặc dù hợp đồng tặng cho không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại “Giấy cho nhà và đất” thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Vì vậy, Tòa án đã xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của cụ C là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu hủy bỏ một phần hợp đồng tặng cho tài sản của cụ C với các lý do sau:
Thứ nhất, theo “Giấy cho nhà và đất” là điều kiện tặng cho tài sản không trái pháp luật, đạo đức và người được tặng cho thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho. Tuy nhiên, trong giấy lại không thỏa thuận nếu ông L không thực hiện nghĩa vụ đối với cụ C thì sẽ chịu hậu quả ra sao. Do đó, Tòa án xác định đây chỉ là văn bản cho tài sản có điều kiện nhưng không bị ràng buộc về hậu quả pháp lý mà chỉ có ý nghĩa ràng buộc về mặt niềm tin, bổn phận của con cái với cha mẹ, ông bà và đạo đức xã hội.
Thứ hai, qua các lời khai và chứng cứ thu thập được thì không chứng minh được ông L và bà H có hành vi ngược đãi cũng như không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc cụ C.
Về việc cụ C cho rằng bà Nguyễn Thị H lớn tiếng, chửi bới cụ “Ông đi đâu thì đi, vợ chồng tôi từ nay không chấp nhận nuôi ông nữa”, nhưng sự việc không có ai chứng chứng kiến, phía bà H thì phủ nhận. Do đó không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận. Và nếu có chăng như cụ C nói thì hành vi của bà H chỉ đáng bị lên án về mặt đạo đức, chứ không bị ràng buộc là vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng tặng cho giữa ông Phạm C và Ông Phạm Văn L, vì ông L mới là đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tặng cho này.
Mâu thuẫn trong gia đình giữa cụ C và vợ chồng ông L chỉ là mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, phần nhiều là do bất đồng quan điểm dẫn đến tranh cãi nhất thời, không có hệ thống và không phải là hành vi ngược đãi.
Thứ ba, cụ C cho rằng mình bị bà H đuổi đi dẫn đến không có chổ ở là không có căn cứ. Vì hiện tại, cụ C vẫn đang có nhà đất trên diện tích 296,3m2, trước giờ cụ vẫn sống trong căn nhà riêng.
Theo quy định tại Điều 462 của Bộ luật dân sự năm 2015 về tặng cho tài sản có điều kiện như sau:
“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Qua nội dung vụ án, ta thấy việc tặng cho tài sản có điều kiện của cụ C và ông L là hợp pháp. Điều kiện tặng cho không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức.
Theo quan điểm, việc xác định “Giấy cho nhà và đất” chỉ là văn bản cho tài sản có điều kiện và không ràng buộc hậu quả pháp lý của Tòa phúc thẩm là không hợp lý. Căn cứ theo khoản 3 Điều 462 Bộ luật dân sự 2015, khi bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ, bên tặng cho vẫn có quyền đòi lại tài sản cho dù trong hợp đồng tặng cho không ghi rõ nếu vi phạm các nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả như thế nào. Theo đó, cụ C vẫn có quyền đòi lại tài sản đã tặng cho nếu ông L không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết. Tuy nhiên, trong trường hợp bản án trên thì cụ C không chứng minh được việc vi phạm nghĩa vụ của ông L nên không hủy được hợp đồng tặng cho là hợp lý.
Tặng cho tài sản có điều kiện là trường hợp rất hay gặp trong thực tiễn. Việc tặng cho tài sản có thể đi kèm hoặc không đi kèm theo một điều kiện nhất định của bên tặng cho. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho, với điều kiện tặng cho không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: