Hơn 100 người trình báo tiền tiết kiệm bị chuyển thành mua bảo hiểm

TP HCM – Kéo nhau đến công an trình báo, 112 người cho rằng bị ngân hàng phối hợp bảo hiểm giả chữ ký, kê khống thu nhập… chuyển tiền tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm.

Ngày 20/4, rất đông người tiếp tục đến Công an TPHCM nộp đơn tố giác, cho rằng Ngân hàng Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam có hành vi chiếm đoạt tiền thông qua việc “dụ gửi tiết kiệm đầu tư để lãi hơn” nhưng lại thành “bảo hiểm nhân thọ”. Hai tháng trước họ đã khiếu nại 2 đơn vị này nhưng không được giải quyết, nên đề nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án, xử lý những người liên quan; buộc Manulife và SCB trả lại hàng chục tỷ đồng đã thu và bồi thường thiệt hại. Hiện, Công an TP HCM tiếp nhận tổng cộng 112 người trình báo cùng nội dung.

Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên văn phòng ở quận 10, cho biết hồi tháng 7/2020 đến ngân hàng SCB để đáo hạn sổ tiết kiệm 90 triệu đồng thì được nhân viên tư vấn mua gói “Tâm an đầu tư” là sản phẩm liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Nhân viên ngân hàng nói đây là gói “tiết kiệm đầu tư” có lãi suất cao hơn với mức từ 8,7 đến 15% và “có tặng kèm bảo hiểm nhân thọ”. Được nhân viên đưa ra bảng mô tả lãi suất và tư vấn có thể rút toàn bộ vốn và lãi sau 5-6 năm nên chị yên tâm đồng ý. Chị sau đó tất toán một khoản tiết kiệm khác trị giá 100 triệu đồng để mua gói đầu tư này.

Tiền tiết kiệm

Người dân ở TP HCM đang hoàn thiện đơn tố cáo gửi Công an TP HCM, ngày 20/4.

Đến năm thứ hai chị tiếp tục đầu tư thêm 100 triệu đồng cho hai hợp đồng trước đó. Cuối năm 2022 nghe thông tin nhiều khách hàng gửi tiết kiệm bị biến thành hợp đồng bảo hiểm, chị tìm hiểu và nhận ra mình cũng là nạn nhân. Chị liên hệ với ngân hàng và bảo hiểm thì mới hay phần lớn tiền gửi đầu tư trong năm đầu đã bị ngân hàng chuyển vào đóng phí hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Chị không được rút toàn bộ số tiền đã đóng như cam kết ban đầu.

“Ngay từ đầu tôi đã nói rõ không tham gia bảo hiểm nên khi họ chuyển hợp đồng qua tôi cũng không quan tâm đến nội dung mà chỉ nghĩ đó là sản phẩm tặng kèm nên ký vào”, chị Hà giải thích. “Họ cũng không đưa cho tôi toàn bộ bản đầy đủ mà chỉ có tờ cuối, sau này mới biết các điều khoản bên trong thể hiện thời hạn hợp đồng là 50 năm – tức tôi phải đóng tiếp 48 năm nữa”.

Chị cho biết thêm, toàn bộ chữ ký, nội dung đơn yêu cầu bảo hiểm trong hợp đồng đều do nhân viên ngân hàng tự điền và kê khống. Chị là nhân viên văn phòng, mức thu nhập mỗi tháng chỉ có 10 triệu đồng nhưng trong hợp đồng thể hiện thu nhập của chị là 50 triệu đồng một tháng.

Nhận gia đình mình là nạn nhân tương tự, anh Tiến làm nghề kinh doanh quần áo ở quận Bình Thạnh, được mẹ uỷ quyền đi tố cáo với cơ quan điều tra do sức khoẻ bà đã yếu. Ba năm trước, mẹ anh nghe theo nhân viên ngân hàng tư vấn đã tất toán toàn bộ số tiền tiết kiệm 400 triệu đồng tích góp để mua gói “Tâm an đầu tư”. Sau này bà mới biết thực chất hợp đồng này là để mua bảo hiểm nhân thọ.

“Mẹ tôi hàng ngày ở nhà trông cháu vậy mà trong đơn yêu cầu bảo hiểm nhân viên họ tự viết thu nhập của bà là 100 triệu đồng mỗi tháng. Trong đơn yêu cầu thay đổi hạn mức bảo hiểm họ cũng tự động ký tên vào mà mẹ tôi không hay biết”, anh Tiến nói và cho biết, trong hợp đồng bảo hiểm ký với khách hàng có rất nhiều bất thường.

Tiền tiết kiệm

Thu nhập của mẹ anh Tiến được đại lý bảo hiểm ghi khống lên 100 triệu đồng một tháng. Ảnh: Chụp hợp đồng

Trong đơn gửi cơ quan điều tra, nhiều người cho rằng ngay từ đầu nhân viên bảo hiểm và ngân hàng đã tư vấn sai sự thật, đánh tráo khái niệm “tiết kiệm Tâm an đầu tư” và “bảo hiểm nhân thọ” khiến khách hàng hiểu lầm. Toàn bộ tiền tiết kiệm của họ (hàng tỷ đồng) đã bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm. Họ sẽ mất phần lớn số tiền đã nộp nếu rút sau 5-6 năm tham gia.

Để che giấu việc thực chất là bảo hiểm nhân thọ chứ không phải tiết kiệm, đại lý bảo hiểm và nhân viên ngân hàng không cung cấp bất kỳ giấy tờ nào thể hiện các khoản phí khách hàng phải trả, các quy tắc bồi thường, quyền lợi của khách hàng… khi tham gia. Sau 10-15 ngày, khi tiền tiết kiệm của khách tại ngân hàng chuyển cho công ty bảo hiểm, họ mới nhận được hợp đồng. Phía bảo hiểm chỉ bàn giao hợp đồng mà hoàn toàn không giải thích, tư vấn trong khi khách hàng hiểu đây chỉ là một sản phẩm tặng kèm nên không quan tâm đến nội dung trong hợp đồng.

Hồ sơ khai báo thông tin thể hiện trong hợp đồng do đại lý bảo hiểm tự ghi, khai khống, thậm chí giả chữ ký khách hàng… sau đó đề nghị khách hàng ký vào tờ cuối của hợp đồng dày hàng chục trang để hoàn tất thủ tục tham gia sản phẩm.

Phía Menulife chấp nhận toàn bộ hồ sơ từ phía đại lý và nhân viên mà không có động thái yêu cầu hay xác thực đối với những khách hàng có nhiều điểm bất thường trong hợp đồng như chữ ký, chữ viết trong cùng một tờ đơn hoàn toàn khác nhau, thu nhập cao bất thường lên đến 150-170 triệu đồng một tháng kể cả người già đã về hưu. Sức khỏe của khách hàng kể cả người cao tuổi đều tốt trong khi đối với một hợp đồng nhân thọ thông thường điều kiện về sức khoẻ tại thời điểm tham gia bảo hiểm là rất khó khăn.

Với một số hợp đồng, toàn bộ số tiền tiết kiệm đầu tư đóng trong năm đầu đều được Mennulife ghi nhận là phí bảo hiểm. Những hợp đồng còn lại, phần lớn số tiền đóng trong năm đầu được chuyển sang đóng phí bảo hiểm, đến năm thứ hai mức phí bảo hiểm hạ xuống tới 80-90% mức phí của năm đầu.

“Nếu khách hàng thực sự có nhu cầu bảo vệ bản thân trước những rủi ro với mức phí lên đến hàng trăm triệu đồng một năm, thì không có lý do gì sang năm thứ hai đã yêu cầu hạ mức bảo hiểm xuống mức tối thiểu như vậy. Quyền lợi bảo hiểm sẽ giảm đi rất nhiều và số tiền đóng trong năm đầu trở nên vô nghĩa”, đơn tố cáo nêu.

Cũng theo trình bày của nhóm khách hàng, thu nhập của họ không đủ khả năng đóng mức phí 50-500 triệu đồng một năm. Việc tham gia bảo hiểm sẽ vô nghĩa nếu khách hàng không đủ khả năng về tài chính. Do đó, nếu được tư vấn đúng bản chất là sản phẩm bảo hiểm thì họ sẽ không tham gia.

Trả lời về các tố giác của khách hàng, đại diện Manulife cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xem xét giải quyết các yêu cầu một cách nghiêm túc, công bằng và thỏa đáng. Việc xử lý các yêu cầu sẽ căn cứ trên quy định của pháp luật và các quy tắc, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng đã ký kết nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như của công ty.

“Chúng tôi sẽ không khoan nhượng cho bất cứ hành vi sai trái hoặc gian lận nào. Nếu phát hiện các hành vi này, chúng tôi sẽ ngay lập tức chuyển đến cơ quan chức năng liên quan để xử lý”, người này nói.

SCB đang hợp tác với Manulife để giải quyết. Công an TP HCM hiện chưa đưa ra quan điểm về các tố giác của người dân, song cho biết sẽ làm rõ những bất thường, nếu có, trong giao dịch.

Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: khởi tố vụ án; không khởi tố vụ án; tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng VKS cùng cấp hoặc Viện trưởng VKS có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.

 

 

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

Đánh giá post
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email