Hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh theo quy định năm 2022

HỎI: Anh A gửi đến Luật sư Quảng Ninh thắc mắc liên quan đến hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh. Anh A là trưởng phòng marketing của doanh nghiệp H, trong quá trình làm việc anh A phát hiện phó giám đốc của công ty mình có những giao dịch và bộc lộ tài liệu có liên quan đến bí mật kinh doanh của công ty cho công ty đối tác khi không được phép. Anh A muốn biết hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh có vi phạm quy định pháp luật hay không? Hành vi này có thể bị phạt như thế nào? (tên thật của nhân vật đã được thay đổi)

Bí mật - Kinh doanh
Ảnh minh hoạ

LUẬT SƯ QUẢNG NINH TRẢ LỜI:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sư Quảng Ninh, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Khái niệm bí mật kinh doanh

Khái niệm
Ảnh minh hoạ

Theo quy định Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019):

23. Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh được quy định tại Khoản 3 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019):

3. Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là tổ chức, cá nhân có được bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Bất kỳ một thông tin nào cũng có thể trở thành bí mật kinh doanh. Nó có thể bao gồm thông tin liên quan đến công thức pha chế, mẫu hàng, thiết bị hoặc tập hợp nhiều thông tin khác nhau được sử dụng trong một thời gian nhất định của một doanh nghiệp. Thông thường, nó là những thông tin kỹ thuật dùng trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, nó còn bao gồm những thông tin liên quan đến chiến lược kinh doanh, phương pháp lưu trữ tài liệu, quy trình, quản lý kinh doanh, phần mềm dùng cho các hoạt động kinh doanh.

2. Điều kiện để bí mật kinh doanh được bảo hộ

Điều kiện
Ảnh minh hoạ

Căn cứ Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019) quy định bí mật kinh doanh được bảo hộ cần:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Bên cạnh đó Điều 85 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019) cũng quy định những đối tượng không thuộc bảo hộ bí mật kinh doanh gồm:

1. Bí mật về nhân thân;

2. Bí mật về quản lý nhà nước;

3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;

4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

3. Quyền của chủ sở hữu bí mật kinh doanh

3.1 Quyền sử dụng

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019):

4. Sử dụng bí mật kinh doanh là việc thực hiện các hành vi sau đây:

a) Áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hóa;

b) Bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh.

3.2 Quyền chuyển quyền sử dụng

Những trường hợp hạn chế trong việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019) như sau:

Điều 142. Hạn chế việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

1. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, tên thương mại không được chuyển giao.

2. Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

3. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

5. Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật này.

Theo đó, bí mật kinh doanh không nằm trong số những trường hợp không được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng. Do vậy, chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoàn toàn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng cho chủ thể khác. Bên chuyển nhượng không được sử dụng bí mật kinh doanh khi đã chuyển nhượng quyền sử dụng trong thời hạn chuyển nhượng. Nhưng bên chuyển nhượng vẫn là chủ sở hữu của bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bí mật cần có những thỏa thuận với người được chuyển giao về điều kiện và nghĩa vụ bảo mật.

3.3 Quyền chuyển nhượng quyền sở hữu

Việc chuyển nhượng quyền sở hữu tức là bàn giao tất cả các quyền của mình về thông tin mật sang cho bên nhận chuyển nhượng bao gồm của quyền sử dụng. Đồng thời chấm dứt quyền sở hữu bí mật kinh doanh của bên chuyển nhượng chuyển sang cho bên nhận chuyển nhượng. Chủ sở hữu có quyền được chuyển nhượng quyền sở hữu bí mật kinh doanh cho những chủ thể khác.

3.4 Quyền ngăn cấm sử dụng, tiết lộ bất hợp pháp

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có quyền ngăn cấm các tổ chức, cá nhân khác sử dụng, tiết lộ bất hợp pháp các bí mật kinh doanh của mình trừ các trường hợp được quy định tại Khoản 3, Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019) gồm:

a) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh thu được khi không biết và không có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được một cách bất hợp pháp;

b) Bộc lộ dữ liệu bí mật nhằm bảo vệ công chúng theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Luật này;

c) Sử dụng dữ liệu bí mật quy định tại Điều 128 của Luật này không nhằm mục đích thương mại;

d) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra một cách độc lập;

đ) Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh được tạo ra do phân tích, đánh giá sản phẩm được phân phối hợp pháp với điều kiện người phân tích, đánh giá không có thỏa thuận khác với chủ sở hữu bí mật kinh doanh hoặc người bán hàng.

4. Những hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh

Theo quy định tại Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019) ghi nhận gồm:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

b) Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;

c) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;

d) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này;

e) Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật quy định tại Điều 128 của Luật này.

Theo điểm b Khoản 1, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:

1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Từ quy định này có thể thấy cá nhân đang nắm giữ chức vụ phó giám đốc trong doanh nghiệp H tự ý bộc lộ những tài liệu có chứa đựng thông tin mật của công ty mà không được phép của giám đốc. Hành vi này là trái quy định của pháp luật và thuộc trường hợp xâm phạm bí mật kinh doanh. Hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là hành vi bị cấm.

5. Xử phạt hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh

Theo quy định tại Điều 125 Luật Lao động 2019 ghi nhận:

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

Như vậy, theo quy định định trên, doanh nghiệp H có thể xử lý kỷ luật cá nhân nắm giữ chức vụ phó giám đốc với mức cao nhất là sa thải nếu cá nhân này thực sự có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh.

Ngoài ra, còn có thể bị phạt hành chính từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng theo điểm b Khoản 1 Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, thêm vào đó là hình phạt bổ sung gồm:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

+ Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Việc thực hiện hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động:

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH trường hợp này sẽ xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019. Khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn tại Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Khoản 2, 3, 4 Điều 71 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn quy định về xử lý bồi thường thiệt hại tại Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

a) Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp bao gồm: các thành phần quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, thẩm định viên về giá (nếu có); bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm;

b) Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản này phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;

c) Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại điểm a, điểm b khoản này. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản này không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.

4. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Trên đây là toàn bộ phần tư vấn của Luật sư Quảng Ninh đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh trong thời gian đang thực hiện hợp đồng lao động.


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

 

 

5/5 - (10 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email