Hành vi bắt chuộc giấy tờ theo quy định năm 2022

HỎI: Anh A gửi đến Luật sư Quảng Ninh về tình huống liên quan đến hành vi bắt chuộc giấy tờ. Tuần trước, anh A bị mất ví trong đó có một số giấy tờ cá nhân như căn cước công dân, giấy phép lái xe,… Vài ngày sau có người nhặt được và yêu cầu anh A chuộc lại giấy tờ với số tiền 2 triệu đồng. Thắc mắc của anh A là hành vi của họ có vi phạm pháp luật không? Nếu có sẽ bị xử lý như thế nào? (tên thật của nhân vật đã được thay đổi).

Hành vi bắt chuộc giấy tờ
Ảnh minh hoạ

LUẬT SƯ QUẢNG NINH TRẢ LỜI:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Quảng Ninh, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

1. Khái niệm giấy tờ tuỳ thân

  Ở nước ta, giấy tờ tuỳ thân được sử dụng thông dụng và thường xuyên trong cuộc sống. Một trong những giấy tờ tuỳ thân mà điển hình là Chứng minh thư nhân dân được cấp lần đầu tiên vào năm 1957 và đã thay đổi 6 lần vào những năm 1964, 1976, 1999, 2012, 2016 và 2020.

  Lần đầu tiên vào năm 1957, Chính phủ ban hành Nghị định 577 quy định về Đặt giấy, thể lệ cấp phát giấy chứng minh nhằm mục đích đem lại cho người dân có giấy chứng thực căn cước, tiện dụng trong giao dịch hàng ngày.

  Hiện nay, theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật giấy Chứng minh thư nhân dân được nâng cấp thành thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ. Dưới góc độ pháp lý chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về giấy tờ tuỳ thân. Chỉ có một số văn bản quy định cụ thể một loại giấy tờ là giấy tờ tùy thân chứ không mang tính liệt kê. Một số văn bản pháp luật như sau:

+ Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định:

Điều 1. Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảmthuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

+ Theo tinh thần Nghị định 136/2007/NĐ-CP trước đây quy định Hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế Chứng minh nhân dân hay Luật Căn cước công dân quy định thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam.

Từ những quy định pháp luật này có thể hiểu giấy tờ tùy thân là những giấy tờ có giá trị xác định đặc điểm nhận dạng và nhân thân của một người. Nhưng hiện nay chỉ có Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu là được xác định cụ thể là giấy tờ tùy thân.

2. Những giấy tờ có giá trị thay thế

Một số giấy tờ có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng được xác định là giấy tờ tùy thân như: Giấy phép lái xe, thẻ Đại biểu Quốc hội, thẻ Đảng viên…

Ngoài ra, trong lĩnh vực hàng không, hành khách mang quốc tịch Việt Nam khi bay các chuyến nội địa có thể xuất trình một trong 12 loại giấy tờ gồm:

+ Hộ chiếu;

+ Thẻ Căn cước công dân;

+ Giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang;

+ Thẻ Đại biểu Quốc hội;

+ Thẻ Đảng viên;

+ Thẻ Nhà báo;

+ Giấy phép lái xe ô tô, xe máy;

+ Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay;

+ Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia;

+ Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam;

+ Giấy xác nhận nhân thân theo mẫu do công an cấp xã nơi thường trú, tạm trú xác nhận;

+ Giấy của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án.

  Theo đó, giấy tờ tùy thân lại được quy định theo từng lĩnh vực và tùy từng địa phương bên cạnh các loại giấy tờ tùy thân chung gồm: Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân.

3. Khái niệm hành vi đòi tiền chuộc tài sản

Hành vi đòi tiền chuộc tài sản được thể hiện khi chủ sở hữu của tài sản làm thất lạc tài sản, sau đó một người khác có được tài sản đó bằng việc nhặt được. Đối tượng này liên lạc với chủ sở hữu của tài sản để yêu cầu một khoản tiền để chủ sở hữu chuộc lại tài sản bị mất.

Theo quy định của pháp luật, trường hợp nhặt được tài sản mà không xác định được chủ sở hữu thì người nhặt không được chiếm giữ tài sản đó. Tài sản nhặt được phải thực hiện theo Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

2. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan có thẩm quyền thu giữ giấy tờ tuỳ thân

Cơ quan có thẩm quyền
Ảnh minh hoạ

  Chứng minh thư nhân dân và Căn cước công dân là những giấy tờ tuỳ thân cơ bản, quan trọng của mỗi công dân, là phương tiên thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trọng hầu hết các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.

4.1 Đối với Chứng minh thư nhân dân

  Thẩm quyền của cơ quan nhà nước được thu giữ được quy định tại Điều 11 Nghị định 05/1999/NĐ-CP:

1.Cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân có thẩm quyền thu hồi chứng minh nhân dân nói tại điểm a, b khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

2.Những người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

3.Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công dân có hộ khẩu thường trú, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có thẩm quyền tạm giữ Chứng minh nhân dân của những công dân nói tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

  Như vậy, ngoài những trường hợp nêu trên, mọi hành vi tự ý thu hồi, tạm giữ Chứng minh nhân dân của công dân cũng như hành vi thu hồi, tạm giữ không đúng thẩm quyền đều được xem là hành vi bất hợp pháp, vi phạm quy định pháp luật.

4.2 Đối với Căn cước công dân

  Thẩm quyền của cơ quan nhà nước được thu giữ được quy định tại Điều 28 Luật Căn cước Công dân 2014:

4. Thẩm quyền thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân:

a) Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền thu hồi thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có thẩm quyền tạm giữ thẻ Căn cước công dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

  Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không thuộc trường hợp được quy định nêu trên tự ý thu giữ Căn cước công dân được xem là hành vi trái pháp luật.

5. Hình thức xử phạt hành vi bắt chuộc giấy tờ

5.1 Trách nhiệm hình sự

  Tuỳ vào giá trị tài sản, tính chất vụ việc nghiêm trọng của hành vi mà người đòi tiền chuộc sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo những tình tiết mà anh A đã nêu, việc anh A phải giao tiền cho người nhặt được tài sản sản của mình do bị uy hiếp về mặt tinh thần. Cụ thể anh A lo sợ nếu những giấy tờ tuỳ thân của mình không được trả lại sẽ dẫn đến hậu quả trong tương lai khi làm lại những giấy tờ đó rất khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức, thậm trí có loại giấy tờ không làm lại được.

Trong trường hợp này hành vi của người yêu cầu chuộc tài sản có thể khép vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Bộ luật Hình sự 2015:

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5.2 Trách nhiệm hành chính

  Nếu người đòi tiền chuộc không thỏa mãn dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự (như chưa đủ tuổi) thì người này cũng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;

b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;

e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;

b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

5/5 - (16 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email