Mục Lục
Hàng cấm là gì?
Căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Theo Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
5. “Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam.
…
Theo đó, hàng cấm là những mặt hàng bị Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.
Các mặt hàng bị cấm do có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kinh tế, an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường.
Ví dụ về một số hàng cấm:
– Ma túy và các chất hướng thần.
– Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
– Văn hóa phẩm đồi trụy.
– Động vật hoang dã nguy cấp.
– Hàng hóa giả mạo, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ.
– Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
– Hàng hóa nhập khẩu trái phép, hàng hóa xuất khẩu trái phép.
Luật pháp Việt Nam quy định rất nghiêm ngặt về việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng hàng cấm. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Hàng cấm là gì? Buôn bán hàng cấm bị phạt bao nhiêu năm tù? (Hình từ Internet)
Buôn bán hàng cấm bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 40 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội sản xuất buôn bán hàng cấm:
Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;
b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
…
Theo đó, người nào có hành vi buôn bán hàng cấm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội sản xuất buôn bán hàng cấm.
Người phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp pháp nhân phạm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.
Pháp nhân gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Buôn bán hàng cấm bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi buôn bán hàng cấm nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
[1] Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng dưới 5 kilôgam hoặc dưới 5 lít;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng dưới 50 bao;
– Buôn bán pháo nổ dưới 0,5 kilôgam;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 1.500.000 đồng.
[2] Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng từ 5 kilôgam đến dưới 10 kilôgam hoặc từ 5 lít đến dưới 10 lít;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 50 bao đến dưới 100 bao;
– Buôn bán pháo nổ từ 0,5 kilôgam đến dưới 1 kilôgam;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 1.500.000 đồng đến dưới 2.500.000 đồng.
[3] Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng từ 10 kilôgam đến dưới 15 kilôgam hoặc từ 10 lít đến dưới 15 lít;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 100 bao đến dưới 300 bao;
– Buôn bán pháo nổ từ 1 kilôgam đến dưới 2 kilôgam;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 2.500.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
[4] Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng từ 15 kilôgam đến dưới 20 kilôgam hoặc từ 15 lít đến dưới 20 lít;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 300 bao đến dưới 500 bao;
– Buôn bán pháo nổ từ 2 kilôgam đến dưới 3 kilôgam;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng.
[5] Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng từ 20 kilôgam đến dưới 30 kilôgam hoặc từ 20 lít đến dưới 30 lít;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao đến dưới 1.000 bao;
– Buôn bán pháo nổ từ 3 kilôgam đến dưới 4 kilôgam;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 15.000.000 đồng đến dưới 25.000.000 đồng.
[6] Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng từ 30 kilôgam đến dưới 40 kilôgam hoặc từ 30 lít đến dưới 40 lít;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.000 bao đến dưới 1.200 bao;
– Buôn bán pháo nổ từ 4 kilôgam đến dưới 5 kilôgam;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 25.000.000 đồng đến dưới 35.000.000 đồng.
[7] Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng từ 40 kilôgam đến dưới 50 kilôgam hoặc từ 40 lít đến dưới 50 lít;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.200 bao đến dưới 1.500 bao;
– Buôn bán pháo nổ từ 5 kilôgam đến dưới 6 kilôgam;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm có trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 35.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
[8] Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
– Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm có số lượng từ 50 kilôgam trở lên hoặc từ 50 lít trở lên;
– Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên;
– Buôn bán pháo nổ từ 6 kilôgam trở lên;
– Buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra có các hình thức phạt bổ sung sau:
– Tịch thu tang vật;
– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng
Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Tổ chức có hành vi vi phạm thì phạt tiền gấp hai lần cá nhân. (Quy định điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP)
Trân trọng!
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: