Được cha mẹ cho nhà đất có phải chia cho anh em ruột không?

Ông bà nội tôi đã mất gần 20 năm, trước đó có cho cha mẹ tôi mảnh đất và gia đình tôi đang sinh sống tại đây.

Ba tôi đang đứng tên sổ đỏ. Ba mẹ tôi có 4 người con và ba tôi cũng còn một số anh em ruột ở quê.

Ba tôi nay rất già yếu, chưa làm di chúc. Ngộ nhỡ ba qua đời thì nhà đất ông được thừa kế từ ông bà nội sẽ được phân chia như thế nào? Và những người anh em ruột của ba tôi có liên quan gì nữa không? – Anh N.D.M gửi về cho Luật sư Quảng Ninh.

Không thể tặng cho quyền sử dụng đất cho con bằng lời nói

  Hình ảnh minh họa

Luật sư tư vấn

Theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (dân gian hay gọi là “sổ đỏ”) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Theo dữ kiện bạn cung cấp, Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho bố bạn. Việc chia thừa kế quyền sử dụng đất của bố bạn sẽ được thực hiện theo 2 trường hợp sau:

– Bố bạn chết không để lại di chúc, hoặc di chúc không hợp lệ: Phần di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định của pháp luật tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015).

Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 651, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo đó, cha, mẹ của bố bạn đã mất nên những người được hưởng di sản thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn sẽ bao gồm: vợ, 4 người con của bố bạn và di sản sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế này.

Những người anh em ruột của bố bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai theo điểm b khoản 1 Điều 651 BLDS 2015. Theo đó, những người này chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản theo quy định tại khoản 3 Điều 651.

Vì vậy, nếu trong trường hợp những người ở hàng thừa kế thứ nhất không rơi vào một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 651 thì những người anh em ruột của bố bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế và không còn liên quan đến phần di sản này.

– Bố bạn chết để lại di chúc hợp pháp (theo Điều 630 BLDS 2015): Phần di sản thừa kế của bố bạn sẽ được chia cho những người có tên trong nội dung di chúc.

Theo đó, nếu trong di chúc có tên của những người anh em ruột của bố bạn và những người này không từ chối nhận di sản (Điều 620), không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản (khoản 1 Điều 621) thì những người này cũng sẽ được chia phần di sản của bố bạn.

Chỉ trong trường hợp những người này không có tên trong di chúc thì họ mới không có quyền thừa kế di sản do bố bạn để lại.

 

 

______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________

Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

5/5 - (5 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email