Mục Lục
Công điện 41 Xử lý vụ việc sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe?
Công điện 41 Yêu cầu xử lý vụ việc sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe?
Ngày 17/4/2025, Thủ tướng có Công điện 41/CĐ-TTg năm 2025 xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo đó, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
– Bộ Y tế:
+ Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả nêu trên. Chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
+ Phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.
+ Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
+ Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
+ Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
– Bộ Công an:
+ Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả nêu trên; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
+ Chỉ đạo công an các cấp tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
– Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường các biện pháp quản lý thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền theo Chỉ thị 17/CT-TTg năm 2018.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.
Trên đây là nội dung Công điện 41 Xử lý vụ việc sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công điện 41: Xử lý vụ việc sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe? (Hình từ Internet)
Thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Dược 2016 giải thích thuật ngữ “Thuốc” như sau:
Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:
(1) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;
(2) Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;
+ Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập tại điểm (1) và điểm (2) trên đây.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.
Hàng giả gồm những loại nào?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm:
– Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
– Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
– Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược 2016;
– Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
– Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
– Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Trân trọng!
Lưu ý: Nội dung bài viết công khai tại website của Công ty luật Quảng Ninh chỉ mang tính chất tham khảo về việc áp dụng quy định pháp luật. Tùy từng thời điểm, đối tượng và sự sửa đổi, bổ sung, thay thế của chính sách pháp luật, văn bản pháp lý mà nội dung tư vấn có thể sẽ không còn phù hợp với tình huống Quý khách đang gặp phải hoặc cần tham khảo ý kiến pháp lý. Trường hợp Quý khách cần ý kiến pháp lý cụ thể, chuyên sâu theo từng hồ sơ, vụ việc, vui lòng liên hệ với Chúng tôi qua các phương thức bên dưới. Với sự nhiệt tình và tận tâm, Chúng tôi tin rằng văn phòng Luật sư Quảng Ninh sẽ là nơi hỗ trợ pháp lý đáng tin cậy của Quý khách hàng.
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp
Bài viết liên quan: