Cô giáo Lê Thị Dung được giảm án

NGHỆ AN – HĐXX giảm án còn 15 tháng tù với bị cáo Lê Thị Dung, 51 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, vì xét thấy án sơ thẩm 5 năm tù quá nghiêm khắc.

Tính từ thời điểm bị tạm giam cho đến lúc được giảm nhẹ hình phạt, bị cáo còn hơn 10 ngày tù sẽ được trả tự do.

Theo thẩm phán Hoàng Ngọc Anh, quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo Dung đã khai đầy đủ về việc xây dựng quy chế, kê khai quy đổi để được thanh toán tiền. Số tiền đã nhận đúng với hồ sơ vụ án. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo, do đó có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Bị cáo còn có tình tiết giảm nhẹ như quá trình công tác được tặng nhiều bằng khen, gia đình có công trong tài trợ phòng chống Covid-19 tại địa phương. “Đánh giá mọi chứng cứ, xét thấy số tiền bị cáo hưởng lợi là không lớn, hình phạt 5 năm tù mà tòa cấp sơ thẩm tuyên là quá nghiêm khắc”, thẩm phán Ngọc Anh nói khi tuyên bản án phúc thẩm tại TAND tỉnh Nghệ An vào tối nay.

Với phán quyết trên, toà phúc thẩm cũng bác kháng nghị hủy án để điều tra lại của VKSND tỉnh Nghệ An.

Bị cáo Dung tại phiên toà chiều 13/6. Ảnh: Đức Hùng

Bị cáo Dung tại phiên toà chiều 13/6.

Trước đó, chiều cùng ngày, đại Viện kiểm sát tỉnh đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại nhằm đảm bảo xét xử toàn diện do nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Tại phiên sơ thẩm, bà Lê Thị Dung, 51 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bị tuyên phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, án 5 năm tù.

Theo VKS, việc xác định thiệt hại do hành vi làm trái công vụ của bị cáo cần bảo đảm chính xác để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài nội dung liên quan số tiền thiệt hại, VKS muốn điều tra lại để làm rõ quy chế chi tiêu nội bộ do bà Dung ký năm 2012-2017 có nội dung nào trái pháp luật dẫn đến không có hiệu lực?

Sáu luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung. Ảnh: Đức Hùng

Sáu luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo Lê Thị Dung.

Trong phần tranh tụng, bào chữa cho thân chủ Dung, luật sư Hoàng Thị Phương cho rằng trung tâm giáo dục thường xuyên khác với trường THPT, giám đốc trung tâm cũng không phải hiệu trưởng của trường THPT. Trung tâm hoạt động theo chế độ tài chính tự chủ, tự chi, không giống các trường phổ thông – nơi được cấp 100% kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

Với phân tích này, luật sư Phương nói Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư 28/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ làm việc cho giáo viên phổ thông. “Nhưng cấp sơ thẩm vẫn cố tình ‘gọt chân cho vừa giày’, coi chế độ tài chính của trung tâm giống trường phổ thông là sai thực tế”, luật sư nêu quan điểm.

Luật sư nói VKS cấp sơ thẩm dùng công văn 6120 hướng dẫn chế độ kiêm nhiệm dành cho hiệu trưởng trường THPT làm căn cứ quy buộc với Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là “sai luật”, “cố ý”.

Theo luật sư, từ đầu quá trình điều tra, một số cán bộ được phân công tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không nghiên cứu sâu, cẩn trọng quy định về trao quyền tự chủ, quyền tự chịu trách nhiệm về tài chính với đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị tự chủ.

“Lúc thì cho rằng trung tâm giáo dục thường xuyên không được tự ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, khi lại nói quy chế phải xin ý kiến, được sự đồng ý của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An”, luật sư nêu quan điểm bào chữa.

5 luật sư còn lại của bà Dung đều chung quan điểm đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm, đình chỉ vụ án, trả tự do cho thân chủ.

6 luật sư đề nghị nhà chức trách Nghệ An xem xét trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc giám sát tài liệu điều tra; làm rõ trách nhiệm của Phòng Tài chính kế hoạch, Kho bạc Nhà nước, UBND huyện Hưng Nguyên trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính kế toán của trung tâm để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Chủ toạ đọc bản án lúc 19h10 ngày 13/6. Ảnh: Đức Hùng

Chủ toạ đọc bản án lúc 19h10 ngày 13/6.

Theo cáo buộc của cấp sơ thẩm, năm 2012-2017, bà Dung là giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt 45 triệu đồng.

Cụ thể, năm học 2014-2015, bà có 171 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng. Số tiền tương ứng này trong năm học 2015-2016 là hơn 13 triệu đồng.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ.

Ngày 1/1/2012, bà Dung được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm; bị bắt ngày 28/3/2022.

 

 

 


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

5/5 - (19 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email