Đề xuất phạt lên đến 30 triệu đồng nếu ghi âm, ghi hình và phát trực tiếp tại phiên tòa khi chưa được HĐXX cho phép đã bị bỏ ra khỏi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Sáng 18/8, với tỷ lệ tán thành 100%, Ủy ban Thường vụ Quốc thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Pháp lệnh vừa được thông qua có nhiều điểm thay đổi so với dự thảo được TAND Tối cao trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8.
Theo đó, đề xuất phạt 7-15 triệu đồng với người tham dự phiên tòa, nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; với nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ đã được bỏ. Việc phạt 15-30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa hay ghi âm thanh của người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng cũng không còn.
Đề xuất phạt tiền 15-30 triệu đồng với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án; phạt tiền 30-40 triệu đồng đối với nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của tòa án cũng bị bỏ ra khỏi Pháp lệnh.
Thay vào đó, điều 23 của Pháp lệnh cho phép phạt 7-15 triệu đồng khi ghi âm lời nói, hình ảnh của HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính. Người không tuân theo sự điều hành của chủ tọa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự cũng bị phạt cùng mức.
Điều 22 quy định nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí bị phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng về nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều đã quy định nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.
Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung: “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa” .
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quy định thống nhất giữa Pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, điều 23 của dự thảo Pháp lệnh được chỉnh lý như trên.
Giải trình vì sao đưa quy định xử phạt ghi âm, ghi hình, livestream khi không được phép vào dự thảo Pháp lệnh, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói nhằm bảo đảm “quyền con người, quyền riêng tư” và bảo đảm “sự công tâm của thẩm phán”. Ông ví dụ, một vụ án ly hôn có rất nhiều nội dung, tình tiết như chia con, chia tài sản, trước phiên tòa những bên liên quan phải trình bày nhiều lý lẽ. Nếu ai đó quay lại rồi livestream sẽ là vi phạm quyền con người, bảo vệ thông tin cá nhân.
Kể cả trong vụ án hình sự, bên cạnh bị can, bị cáo bị hạn chế một số quyền con người, thì còn có người làm chứng, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, nếu livestream và đưa những thông tin này lên cũng là vi phạm nếu không được HĐXX cho phép.
Theo Chánh án, mục tiêu tối thượng của chủ tọa phiên tòa là hướng đến bản án công tâm, đúng pháp luật, không phải dịp truyền thông. Nếu tại phiên tòa hàng trăm điện thoại quay để livestream phiên tòa thì chủ tọa có toàn tâm, toàn ý để đưa ra bản án đúng pháp luật không, nhất là quyết định liên quan đến sinh mạng con người.
Ông cho hay quy định về ghi âm, ghi hình trong phiên tòa, ban soạn thảo không tự nghĩ ra mà được ghi ở trong các luật khác nhau, như Luật Tố tụng dân sự, Tố tụng Hình sự, Tố tụng Hành chính.
Nói thêm về việc này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết ở pháp lệnh đã thông qua, đối tượng của quy định cũng thay đổi, thay vì là nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý thì nay mọi người vi phạm về quy định ghi âm, ghi hình đều bị xử lý để đảm bảo công bằng, tính tôn nghiêm của phiên tòa.
Một ngày trước khi Pháp lệnh được thông qua, trả lời VnExpress, ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội), cho rằng đối với những phiên tòa liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự hay án xâm hại tình dục… thì mới cần hạn chế ghi âm, ghi hình. Còn với những phiên tòa công khai, nhà báo được quyền tác nghiệp đúng theo Luật Báo chí. Qua đó tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Hay có những phiên tòa mà HĐXX xét xử công tâm, khách quan, tìm ra được sự thật của vụ án, xử đúng người, đúng tội, không gây oan sai… thì cần phải nhân rộng. Đối với những vụ án toà làm chưa tốt cũng cần phản ánh để tòa cấp trên xem xét lại….
“Khi đưa ra tòa xét xử công khai mà nhà báo cũng không được HĐXX cho ghi âm, ghi hình thì lấy đâu ra chứng cứ để chứng minh viết bài đưa ra công luận đúng sự thật”, ông Nhưỡng nói.
Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị cần phải xem xét, điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, tránh tình trạng “luật không cấm nhưng pháp lệnh lại đè ra xử phạt”.
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: