Mục Lục
Sau ly hôn có quyền giành lại quyền nuôi con được không?
Câu hỏi từ anh A – Quảng Yên: Tôi có câu hỏi như sau tôi và vợ đã ly hôn một thời gian, nay tôi muốn giành lại quyền nuôi con có được không? Công ty luật Quảng Ninh tư vấn cho tôi để tôi có thể giành quyền nuôi con với ạ.
Luật sư Quảng Ninh tư vấn cho bạn như sau:
Sau ly hôn có quyền giành lại quyền nuôi con được không?
Có thể thấy, sau khi ly hôn, Tòa án sẽ giao quyền trực tiếp nuôi con cho một trong hai bên vợ hoặc chồng có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do đó, khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, trước hết người có quyền sẽ là cha hoặc mẹ của đứa trẻ.
Theo quy định tại
Khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì:
- Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
- a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Như vậy, để giành lại quyền nuôi con, bên muốn được nuôi con có thể:
– Thỏa thuận với vợ/chồng cũ về việc được trực tiếp nuôi con và chăm sóc con;
– Tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con;
– Đề nghị Người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Trường hợp bạn thỏa thuận với vợ cũ nhưng vợ cũ của bạn không đồng ý cho bạn chăm sóc con thì bạn có thể tự mình yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con. Như vậy, Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Căn cứ vào Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015:
Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
- Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
- i) Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Như vậy, Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết.
Qua đó, có thể thấy ngay cả khi đã có bản án giải quyết ly hôn của Tòa án, vẫn có thể giành lại quyền nuôi con khi chứng minh người vợ hoặc chồng cũ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con và người có yêu cầu giành lại quyền nuôi con cũng phải có đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con mình.
Sau khi đã ly hôn có quyền giành lại quyền nuôi con được không?(Ảnh từ internet)
Tôi phải chứng minh những gì để giành quyền nuôi con khi ly hôn và sau khi ly hôn?
Việc giành quyền nuôi con khi không thỏa thuận được sẽ do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định cụ thể về các điều kiện cũng như căn cứ để ấn định giao con cho cha hay mẹ. Do đó, trên thực tế, các bên thường sẽ chứng minh những vấn đề sau đây:
– Có thu nhập đảm bảo nuôi dưỡng, chăm sóc tốt nhất cho con
Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng khi cha, mẹ muốn giành quyền nuôi con khi ly hôn. Bởi khi có một cuộc sống đảm bảo, có điều kiện về vật chất như có thu nhập ổn định thông qua chứng minh công việc ổn định, lương cao, thu nhập ổn định, có sổ tiết kiệm…
– Chứng minh có nhiều điều kiện khác tốt cho con hơn đối phương
Yếu tố vật chất là một trong những yếu tố quan trọng khi Tòa án phán xét quyền nuôi con. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố quyết định.
Ngoài các yếu tố về vật chất và tinh thần, nhiều khi đương sự cũng cần phải chứng minh các điều kiện khác như có thể tạo môi trường, không gian tốt nhất cho con phát triển…
Tức là dù đối phương có nền tảng tài chính tốt hơn, bạn vẫn cần chứng minh được mình có nhiều yếu tố khác đảm bảo nuôi dưỡng con tốt hơn như tình cảm dành cho con, con muốn ở với bạn hơn, bạn chăm sóc con tốt hơn,…
Chứng minh được những yếu tố trên, bạn sẽ giành được lợi thế gần như tuyệt đối khi Tòa án phán xét quyền nuôi con. Tuy nhiên, trên thực tế không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng và biết cách chứng minh các lợi thế của mình. Bạn cần phải chuẩn bị các giấy tờ hoặc các tài liệu cần thiết để chứng minh cho Tòa án rằng bạn có điều kiện kinh tế tốt hơn đối phương hoặc ở mức độ đảm bảo nuôi con. Bạn phải tìm cách chứng minh mình có phẩm chất đạo đức tốt, môi trường sống tốt cho con, thời gian dành cho con nhiều hơn đối phương… Cùng với đó bạn cũng cần phải tìm ra các bất lợi nếu cho con ở đối phương để Tòa án xem xét.
– Chứng minh đối phương không đáp ứng điều kiện nuôi con trực tiếp
Đây được xem là một trong những biện pháp để Tòa án xem xét điều kiện tốt nhất cho con. Nếu xét về vật chất, tinh thần và điều kiện khác, các đương sự đều có tình huống tương tự nhau thì đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để Tòa án xem xét giao cho con ai nuôi dưỡng. Ví dụ như, khi ra tòa, nếu bạn chứng minh được đối phương là người có lỗi làm cho cuộc sống hôn nhân không thể tiếp tục thì bạn sẽ có lợi thế trong việc giành quyền nuôi con. Ngoài ra, cần đưa ra những bằng chứng chứng minh được rằng người vợ/chồng của mình đã có những vi phạm về đạo đức dẫn đến phải chấm dứt hôn nhân như: ngoại tình, bạo lực gia đình, không thực hiện tốt nghĩa vụ của người chồng, người vợ… Trên thực tế, việc chứng minh được đối phương có lỗi khi ly hôn cũng góp phần giúp bạn giành những lợi thế đáng kể khi Tòa án xem xét quyền nuôi con.
Chứng minh đối phương không đáp ứng điều kiện nuôi con trực tiếp.(ảnh từ internet)
Trân trọng!
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Địa chỉ chi nhánh: số 31 đường Lý Thường Kiệt, tổ 1, khu 3, phường Thanh Sơn, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: