Mục Lục
Khái niệm tội phạm mạng
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Luật An ninh mạng 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì khái niệm tội phạm mạng được quy định cụ thể như sau:
Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Pháp luật Việt Nam về An ninh mạng nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện hành vi tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Tội phạm mạng có tên trong tiếng Anh là: ”Cybercrime”.
Đặc điểm của tội phạm mạng
Tội phạm mạng hay còn được biết đến là tội phạm công nghệ cao bao gồm một số đặc điểm sau
Thứ nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho lợi ích của quốc gia, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân. Cần nhận thức rằng, khách thể của các tội phạm sử dụng công nghệ cao là trật tự an toàn thông tin, trong đó, trật tự an toàn thông tin được hiểu là những quy tắc xử sự (pháp lý, đạo đức hoặc quy tắc chuyên môn…) được Nhà nước và xã hội xác lập nhằm đảm bảo an toàn thông tin được lưu trữ, xử lý trong các hệ thống máy tính, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong việc khai thác, sử dụng các thông tin đó.
Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là toi phạm theo quy định của pháp luật. Ở Việt Nam, một hành vi chi được coi là tội phạm khi hành vi đó được quy định trong Bộ luật Hình sự. Vì vậy, khi xem xét một hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho xã hội có phải là tội phạm sử dụng công nghệ cao phải xem hành vi đó có được quy định trong Bộ luật Hình sự hay không.
Thứ ba, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao. Tuy nhiên, để được coi là tội phạm sử dụng công nghệ cao, những hành vi đó phải có sự liên quan như một hệ quả trực tiếp, một sự “kéo dài” của những hành vi truy cập, cản trở bất hợp pháp, can thiệp trái phép vào dữ liệu và mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số.
Thứ tư, về chủ thế, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật Hình sự.
Thứ năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý. Khi thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao, người phạm tội phải ý thức rõ hành vi của mình là trái quy định pháp luật có thể gây hậu quả xấu xả ra. Động cơ, mục đích của tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Tội phạm mạng được phân loại thế nào?
Có thể phân loại tội phạm mạng thành một số loại hình chính như sau:
Hacking (Xâm nhập)
Đây là loại hành vi phạm tội có khả năng nắm rõ chương trình trực tuyến một cách tinh vi và sử dụng khả năng của mình để xâm nhập vào hệ thống máy tính, hệ thống dữ liệu của phần mềm bảo mật và truy cập thông tin cá nhân của người dùng.
Mục tiêu của tin tặc dạng này thường là lợi dụng thông tin để làm những việc khác nhau. Có thể chỉ đơn giản là đánh cắp thông tin và bán cho người khác, hay thực hiện hoạt động gián điệp công nghiệp, xâm nhập vào hệ thống của các doanh nghiệp và ăn cắp kế hoạch chiến lược kinh doanh, bản quyền sản phẩm….Ngoài ra, việc xâm nhập máy tính còn có thể là dùng để đe dọa hoặc đánh sập hệ thống đó.
Identity Theft (Mạo danh)
Tin tặc dạng này sẽ đánh cắp thông tin danh tính cá nhân của người khác và sử dụng chính thông tin đó cho mình hay đem rao bán ở các diễn đàn ngầm trên mạng. Những thông tin bị đánh cắp này có thể được dùng để rút tiền từ tài khoản trực tuyến, mua hàng qua mạng hay thanh toán, trao đổi cho những hoạt động khác trên internet.
Fraud (Gian lận)
Không cần phải đột nhập vào máy chủ để có được thông tin cá nhân, Hacker và Identity Theft có thể xây dựng những chương trình giả mạo lừa người dùng tự động cung cấp thông tin cá nhân cho chúng.
Tội phạm mạng sẽ mở một cửa hàng hoặc một dịch vụ giả mạo và yêu cầu nạn nhân tạo một tài khoản với các thông tin cá nhân để có thể sử dụng sản phẩm hay dịch vụ đó. Thủ đoạn thường thấy là gửi lời mời qua email cho nạn nhân về một dịch vụ giá rẻ hoặc miễn phí. Từ những thông tin mà chính người dùng cung cấp, tội phạm mạng dễ dàng đột nhập vào tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng và thực hiện hành vi phạm tội.
Predators (Săn bắt)
Đây là dạng tội phạm mạng chuyên sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân và thu thập thông tin. Qua những giao tiếp trực tuyến như nói chuyện, đưa ra tình huống lựa chọn và tạo dựng kịch bản lừa đảo dựa trên những thông tin mà nạn nhân vô tình cung cấp (chẳng hạn như thường vắng nhà khi nào, tìm hiểu thói quen hàng ngày) và chờ thời cơ ra tay.
Như vậy, việc phân loại tội phạm mạng có thể được thực hiện thông qua hành vi, cách thức, hoặc mục đích mà loại tội phạm này hướng tới. Trên đây là một số loại tội phạm mạng thông thường, phổ biến hiện nay.
Tội phạm mạng được phân loại thế nào theo quy định pháp luật hình sự?
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông hiện nay được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 từ Điều 285 đến Điều 294 và có thể chia thành 02 nhóm:
– Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính (từ Điều 285 – Điều 289) như:
+ Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật;
+ Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử;
+ Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử…
– Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội (từ Điều 290 – Điều 294) như:
+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
+ Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản;
+ Tội cố ý gây nhiễu có hại…
Tội phạm mạng bị xử lý như thế nào?
Đối với tội phạm mạng vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản
Người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. cụ thể:
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;
+ Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;
+ Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2.000.000 đồng.
Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn có thể bi áp dụng phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Đối với tội phạm mạng vi phạm quy định về gây nhiễu có hại
Theo Điều 71 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm quy định về gây nhiễu có hại sẽ bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có bức xạ vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không tuân thủ hoặc không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện và quản lý tương thích điện từ.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không tuân thủ các điều kiện kỹ thuật hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại do không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị vô tuyến điện gây nhiễu có hại cho thông tin vô tuyến dẫn đường, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh khi đã có yêu cầu ngừng sử dụng thiết bị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.
Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0961.926.188/0979.266.128 hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.
Bài viết liên quan: