Dự thảo xử phạt ‘nhà báo ghi âm phiên toà’ mâu thuẫn với luật

Các chuyên gia cho rằng, dự thảo pháp lệnh “xử phạt nhà báo ghi âm, ghi hình… phiên tòa khi không được chủ tọa đồng ý” còn mâu thuẫn với nhiều luật, dễ phạt sai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tại điểm c, d khoản 4; khoản 5 Điều 23 của dự thảo đề cập nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ sẽ bị phạt 7-15 triệu đồng.

Mức phạt tăng lên 15-30 triệu đồng nếu nhà báo ghi âm, ghi hình; ghi hình có âm thanh phiên tòa hay ghi âm thanh của người tham gia tố tụng khi không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.

Theo ông Nguyễn Công Phú, nguyên phó chánh tòa Kinh tế TAND TP HCM, quy định trên còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Chẳng hạn, tại Điều 2 của dự thảo quy định hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính… Như vậy, có thể hiểu mục đích của pháp lệnh là nhằm bảo đảm cho hoạt động tố tụng nói chung, cũng như hoạt động tố tụng tại các phiên tòa nói riêng, được tiến hành theo đúng quy định của 3 bộ luật trên. Chỉ có những hành vi vi phạm quy định của 3 bộ luật này mới được coi là hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, tại khoản 4 và khoản 5 Điều 23 dự thảo không phân biệt đó là phiên tòa hình sự, dân sự hay hành chính. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 234 Bộ luật Tố tụng Dân sự và khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng Hành chính lại quy định nhà báo ghi âm, ghi hình HĐXX hoặc người tham gia tố tụng tại phiên tòa thì phải được sự đồng ý của những người này. Còn Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự thì không quy định.

Ông Phú cho rằng, quy định trong dự thảo sẽ dẫn đến hai cách hiểu. Một là, nhà báo chỉ bị xử phạt khi phiên tòa đó là dân sự hoặc hành chính, còn phiên tòa hình sự thì không bị xử phạt. Thứ hai, nếu vi phạm nhà báo có thể bị xử phạt ở tất cả các phiên tòa mà không cần có sự phân biệt vì đã được quy định trong pháp lệnh.

“Sự không rõ ràng này dễ dẫn đến tình trạng người có thẩm quyền xử phạt sẽ áp dụng máy móc pháp lệnh theo cách hiểu thứ hai”, ông Phú nói.

Về việc “phát trực tiếp trên không gian mạng”, theo ông Phú, hành vi này không có quy định trong tất cả các luật hay bộ luật, cũng không gây cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa. Nếu có tác hại đến việc xét xử vụ án hoặc đối với xã hội nói chung, hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, thì đó cũng không phải là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa hay cản trở hoạt động tố tụng. Tức là không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo pháp lệnh.

“Có ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo là để bảo vệ quyền nhân thân của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Nhưng theo tôi, ý kiến này cũng không thuyết phục vì không phù hợp với mục đích và phạm vi điều chỉnh của dự thảo”, ông Phú nói.

nhà báo

Nhà báo tác nghiệp tại một phiên xét xử án hình sự của TAND TP HCM, sau khi HĐXX vào hội ý. Ảnh: Đình Văn

Theo cựu phó chánh toà, việc bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định tại Điều 32 của Bộ luật Dân sự về “quyền của cá nhân đối với hình ảnh”. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân cũng có trường hợp ngoại lệ, không buộc phải có sự đồng ý của họ như “vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng” hoặc hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa còn là quyền của nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai – được quy định tại Điều 9, Điều 25 Luật Báo chí. Mà Luật Báo chí thì có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh về vấn đề hoạt động báo chí.

Ngoài ra, không phải lúc nào nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa cũng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng mà nó còn để lưu giữ chứng cứ về diễn biến thực tế. Từ đó, nhà báo chứng minh đã đưa tin đúng sự thật, để bảo vệ mình khi cần thiết.

Nếu buộc nhà báo phải có sự đồng ý của những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng trước khi thực hiện việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa dân sự, hành chính (nhất là các phiên tòa đông người) bằng cách hỏi từng người là không khả thi, mất rất nhiều thời gian và phiền phức.

Cùng quan điểm, ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội), cho rằng đối với những phiên tòa liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự hay án xâm hại tình dục… thì mới cần hạn chế ghi âm, ghi hình. Còn với những phiên tòa công khai, nhà báo được quyền tác nghiệp đúng theo Luật Báo chí. Qua đó tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa tội phạm. Hay có những phiên tòa mà HĐXX xét xử công tâm, khách quan, tìm ra được sự thật của vụ án, xử đúng người, đúng tội, không gây oan sai… thì cần phải nhân rộng. Đối với những vụ án toà làm chưa tốt cũng cần phản ánh để tòa cấp trên xem xét lại….

“Ngay cả giai đoạn điều tra, vẫn để xảy ra tình trạng bức cung, dùng nhục hình nhưng đâu phải lúc nào bị can, bị cáo cũng có chứng cứ chứng minh. Khi đưa ra tòa xét xử công khai mà nhà báo cũng không được HĐXX cho ghi âm, ghi hình thì lấy đâu ra chứng cứ để chứng minh viết bài đưa ra công luận đúng sự thật”, ông Nhưỡng nói.

Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị cần phải xem xét, điều chỉnh lại dự thảo cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, tránh tình trạng “luật không cấm nhưng pháp lệnh lại đè ra xử phạt”.

Còn theo ông Nguyễn Công Phú, để tạo thuận lợi cho nhà báo trong việc tác nghiệp tại các phiên xử án dân sự, hành chính, thì TAND Tối cao nên lấy ý kiến của những người tiến hành tố tụng, hoặc người tham gia tố tụng, trước khi nhà báo ghi âm ghi hình để có hướng dẫn cụ thể.

Chẳng hạn, nhà báo chỉ cần đăng ký với thư ký phiên tòa trước khi khai mạc và trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa chủ tọa chỉ cần thông báo lại cho những người tham gia tố tụng biết. Nếu người nào không đồng ý việc ghi âm, ghi hình họ thì chủ tọa được quyền không cho phép nhà báo ghi âm, ghi hình đối với người đó.


Công ty Luật TNHH MTV Luật Sư Quảng Ninh.

Địa chỉ: số 575 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu còn vướng mắc chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 0979.266.128  hoặc Đặt lịch hẹn để được hỗ trợ trực tiếp.

 

5/5 - (10 bình chọn)
Gọi Điện Thoại Zalo Facebook Gửi Email